Viết báo ở Trường Sa - Những kỷ niệm khó quên

Đã có hơn 10 năm trong nghề làm báo, tôi đã được đi nhiều nơi và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua là kỷ niệm khó quên, một trải nghiệm thật sự đặc biệt.

 

Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

 

Trong hải trình 10 ngày trên biển, chúng tôi cảm thấy thời gian trôi đi thật nhanh bởi ngày nào cũng như một lập trình đặt sẵn: 5 giờ kém 10 phút, tiếng loa các phòng reo vang báo thức theo hiệu lệnh quân đội “Toàn tàu báo thức - Báo thức toàn tàu”; 5 giờ 30 ăn sáng; 6 giờ 30 các đại biểu vào thăm và giao lưu tại các đảo... Nhưng chúng tôi luôn phải dậy trước 4 giờ 30 để chuẩn bị máy móc và các thiết bị; ăn sáng nhanh để lên boong xếp hàng lên những chiếc xuồng đầu tiên vào đảo và trở về tàu trên những chiếc xuồng cuối cùng. Xuồng bé nhưng sóng biển lớn, bị sóng nhồi lắc liên tục nhưng tay luôn phải giữ thật chặt máy ảnh, máy quay phim; mắt thì quan sát liên tục để đề phòng những đợt sóng biển đánh tạt vào ướt máy. Bước chân lên đảo, lên các nhà giàn phải rất cẩn thận; tay cầm máy ảnh thật chặt nhưng chân và người luôn phải giữ thăng bằng bởi sóng đánh xuồng dập dềnh rất khó đứng vững; phải đợi sóng nâng xuồng bềnh lên sát mép tàu hay đúng mép quy định của bậc thang nhà giàn, mới được bước lên, nếu bước không đúng nhịp sẽ rất dễ bị trẹo chân hoặc ngã nhào xuống biển.

Đến mỗi đảo, hoạt động thăm hỏi, giao lưu chỉ diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ. Nắng cháy rát da mặt nhưng chúng tôi luôn phải chạy theo các chiến sĩ để chụp ảnh, vừa đi vừa phỏng vấn, nói chuyện và mở máy ghi âm các câu chuyện kể để khi trở về tàu nghe và viết lại. Những hôm sóng to, tàu nghiêng tròng trành, đi lại trên tàu phải dựa vào thành tàu, ngồi không hay nằm chơi cũng say sóng, nhưng chúng tôi vẫn cặm cụi viết để kịp tiến độ gửi bài về tòa soạn. Có lúc chóng mặt, những con chữ như nhảy múa trên máy tính, nhòe đi không thể đọc nổi; lúc lại lật đật ôm máy tính, máy quay lên boong tàu để ngồi nghe, ngồi viết. Những khi tàu tròng trành, lắc lư rất mạnh, nhất là trong đêm tối, nếu không cẩn thận rất có thể bị ngã xuống biển...

Cũng trong chuyến đi chúng tôi đã hoàn thành một chương trình phát thanh nội bộ trên Tàu HQ 571. Tôi được giao viết nội dung lời bình, kịch bản; phóng viên Ngọc Tân, Đài PT-TH tỉnh thu âm, xử lý kỹ thuật. Chương trình ngoài phần tin về hoạt động chung của Tàu HQ 571 trong ngày hôm đó còn có nhiều nội dung phong phú; đó là chia sẻ của họa sĩ Lê Chương, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh về tâm sự của một cụ ông từ miền Tây Bắc xa xôi gửi ra Trường Sa; là bài thơ cảm nhận chuyến đi của đồng chí Mai Thu Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy được thể hiện qua giọng đọc đầy truyền cảm của đồng chí Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh và MC Khánh Hòa, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh; kết thúc chương trình là ca khúc mới đầy cảm xúc về Trường Sa của ca sĩ Thế Hùng. Chương trình chỉ có hơn 15 phút, nhưng chúng tôi phải đọc, thu âm từ 16h đến 20h30, nhiều thành viên trong đoàn vẫn đợi chúng tôi làm xong chương trình để cùng ăn một bữa cơm muộn đầy ý nghĩa. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của các thành viên trong đoàn để hoàn thành một chương trình phát thanh đặc biệt, được Cục Chính trị Hải quân và nhiều đoàn đánh giá cao.

Còn nhiều lắm những kỷ niệm trong hải trình 10 ngày trên quần đảo Trường Sa. Nhiều khó khăn, vất vả, chúng tôi đều vượt qua với sự đoàn kết, gắn bó và chia sẻ, để rồi cảm giác cuối cùng chính là niềm hạnh phúc vì đã có những bài viết, những hình ảnh sinh động về cuộc sống, tinh thần dũng cảm, kiên trung của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đặt chân đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi có thêm những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống, trong công việc; được hun đúc thêm tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới