Về Lũng Xá - Tà Dê hôm nay: Kỳ 2: Để Tà Dê vươn mình

Ngay sau khi phá thành công chuyên án ma túy tại Lũng Xá, Tà Dê của xã Lóng Luông. Tỉnh và huyện Vân Hồ quan tâm đặc biệt đến việc ổn định tư tưởng và đời sống nhân dân, tập trung xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân có thu nhập ổn định, kiên quyết đẩy lùi ma túy ra khỏi địa bàn.

 

Cán bộ huyện Vân Hồ và xã Lóng Luông kiểm tra mô hình trồng chanh leo ở bản Tà Dê.

 

Trong khung cảnh bình yên của một ngày mới, trên con đường dẫn vào bản, dọc 2 bên đường là những cây bơ cao ngang thân người vươn mình đón nắng. Dừng xe tại một vườn bơ nằm ngay cạnh đường, anh Giàng A Dê, Bí thư Chi bộ bản Tà Dê, cho biết: Vào những ngày cuối tháng 7, hơn 30 chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ địa phương, cán bộ huyện Vân Hồ và xã Lóng Luông đã vào 2 bản Lũng Xá, Tà Dê giúp người dân trồng cây bơ phát triển kinh tế. Tôi còn nhớ hôm đó, mưa lớn kéo dài, nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, đã có 6.000 cây bơ từ 2 đến 3 năm tuổi được trồng dọc 2 bên trục đường chính của bản và một số diện tích đồi, nương của bà con.

Anh Mùa A Bể, khuyến nông viên xã Lóng Luông, chia sẻ: Để giúp người dân chăm sóc cây bơ, ngay khi trồng cán bộ khuyến nông của huyện Vân Hồ đã xuống để hướng dẫn người dân kỹ thuật  chăm sóc cây. Đồng bào dân tộc Mông ở đây chỉ quen với trồng các loại cây mận, đào, ít phải chăm sóc, nên giờ đưa cây bơ vào trồng, cán bộ khuyến nông đều đặn một tuần 2 lần vào tận bản, đến từng nhà để kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây, hướng dẫn trực tiếp bà con cách chăm sóc và phòng chống sâu bệnh.

Ngoài cây bơ, cây chanh leo được một số người dân trong bản đem về trồng đã cho thu hoạch. Là người tiên phong trong việc đưa cây chanh leo về trồng thay thế các loại cây lương thực kém hiệu quả, chị Tráng Thị Mái đến nay đã có 6.000 m² chanh leo bắt đầu cho thu hoạch. Bên giàn chanh leo lúc lỉu quả, chị Mái tâm sự: Tôi tham gia lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn do huyện Vân Hồ tổ chức, sau hơn 3 tháng theo học, tôi đã nắm được các kỹ thuật cơ bản của việc trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, nhất là cây chanh leo. Với vốn kiến thức có được, tôi đã tìm đến Công ty Nafoods Tây Bắc để mua giống chanh leo về trồng. Hiện, vườn chanh leo của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch được 5 tạ quả với giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao hơn rất nhiều so với trồng ngô.

 

Bằng sự ham học hỏi và ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, chị Mái đã giúp cây chanh leo đơm hoa, kết trái trên vùng đất Tà Dê. Hiện nay, chị Tráng Thị Mái đang là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tà Dê, với vai trò và trách nhiệm của mình, chị Mái đã vận động nhiều chị em trong Chi hội Phụ nữ bản tham gia chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, đưa các loại cây có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, bản Tà Dê có gần 3 ha chanh leo, 10 ha mận, 15 ha bơ sáp, đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể để giúp người dân ổn định cuộc sống.

 

 

Công an huyện Vân Hồ tuyên truyền công tác phòng chống ma túy,

bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân bản Tà Dê.

Anh Sồng A Tồng, Trưởng Ban Quản lý bản Tà Dê là một trong những nhân tố mới chúng tôi gặp ở Tà Dê. Anh Tồng có bố đẻ bị bắt vì liên quan đến ma túy, với quyết tâm không đi vào “vết xe đổ”, chàng trai trẻ Sồng A Tồng luôn nung nấu ý chí vươn lên, đưa Tà Dê thoát khỏi ma túy và đói nghèo. 26 tuổi nhưng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Quản lý bản, anh luôn gương mẫu trong mọi công việc của bản. Trong đợt thực hiện chuyên án truy bắt 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy, anh Tồng cùng với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể bản vận động người dân đi sơ tán để đảm bảo an toàn cho nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ. Tâm sự với chúng tôi, anh Tồng nói: “Bố mình phạm tội liên quan đến ma túy, mình rất buồn nhưng sẽ quyết tâm vận động bà con trong bản đẩy lùi ma túy ra khỏi địa bàn, vì tương lai của con, cháu mình”. Làm gương cho lớp trẻ trong việc học tập, anh Tồng đang theo học lớp đại học hệ tại chức, chuyên ngành Luật kinh tế do Viện Đại học Mở tổ chức tại huyện Vân Hồ.

 

Những nhân tố, những mô hình kinh tế mới đang phát huy hiệu quả, sẽ là nguồn động lực để Tà Dê vươn mình, xây dựng cuộc sống yên bình, người dân phát triển kinh tế từ những cây, con theo chủ trương của tỉnh và của huyện Vân Hồ.

Giờ ra chơi ở Điểm Trường Tiểu học Lũng Xá, Tà Dê.

Có mặt tại điểm Trường Tiểu học Lũng Xá, Tà Dê, chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong giờ ra chơi, với gần 200 học sinh chia làm 9 lớp, các thầy, cô giáo nơi đây vẫn ngày ngày cần mẫn truyền đạt kiến thức cho các em. Cô giáo Vũ Thị Mận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Luông, cho biết: Các thầy cô ở điểm Trường Tiểu học Lũng Xá, Tà Dê đa số đều phải biết một số từ tiếng Mông cơ bản mới dạy được các em, vì nhiều cháu khi mới nhập trường, chưa thạo tiếng phổ thông. Khó khăn nữa là, trong trường có những học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt như bố mẹ thụ án ma túy hoặc là bố đi thụ án ma túy, mẹ bỏ đi nơi khác, ở với họ hàng không được quan tâm nên thường xuyên bỏ học. Các thầy, cô sau giờ dạy học, lại đi đến các gia đình học sinh để vận động, khuyên nhủ các em trở lại lớp học. Vất vả là thế, nhưng các thầy, cô giáo ở điểm trường Lũng Xá, Tà Dê vẫn ngày, đêm kiên trì bám lớp, tất cả vì tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho những trẻ em nơi đây.

Định hướng để giúp người dân xã Lóng Luông nói chung, đặc biệt là 2 bản Lũng Xá, Tà Dê nói riêng phát triển kinh tế, ổn định đời sống và từ bỏ ma túy, đồng chí Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, thông tin: Huyện đang rà soát, kiện toàn, tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận cho đội ngũ cán bộ bản. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, giáo dục tư tưởng cho đoàn viên thanh niên để lấy đó làm động lực cho sự phát triển bền vững của Tà Dê. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; thực hiện hỗ trợ nhân dân 2 bản theo Phương án 1734 của UBND huyện Vân Hồ về chuyển đổi cơ cấy cây trồng tại bản Lũng Xá, Tà Dê, xã Lóng Luông. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ; mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để từ đó có định hướng phát triển sản xuất phù hợp.

Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân 2 bản Lũng Xá, Tà Dê phát triển kinh tế, huyện Vân Hồ chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh với lực lượng chủ chốt là Công an huyện Vân Hồ tổ chức tuyên truyền, vận động các đối tượng truy nã còn lại ra đầu thú thông qua các buổi họp bản, đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ, các phương tiện thông tin đại chúng và người thân của các đối tượng. Đối với các đối tượng sau nhiều lần tuyên truyền, vận động mà không ra đầu thú, tiếp tục phạm tội, huyện Vân Hồ sẽ phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, chuyên án tổ chức truy bắt, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Chia tay Tà Dê khi những tia nắng ấm tràn ngập khắp không gian bản làng, những vườn chanh leo trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, tiếng trẻ thơ líu lo nơi sân trường. Một cuộc sống ấm no hạnh phúc đang dần hiện hữu nơi đây.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới