Về Chiềng Công

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp về xã Chiềng Công, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường La. Địa hình ở đây đồi núi cao, tập quán canh tác chưa có nhiều thay đổi, khiến Chiềng Công khó khăn trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, giải bài toán thoát nghèo cho dân là thách thức, trăn trở từ nhiều năm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Người dân xã Chiềng Công chăm sóc cây sa nhân.

Theo hướng dẫn của người chỉ đường, để đến xã vùng 3 Chiềng Công, có thể đi theo 2 đường, một là theo đường bộ gần 40 km đất đá gồ ghề từ thị trấn Ít Ong, đi qua các xã Chiềng San, Chiềng Hoa; hai là từ bến Tạ Bú, đi thuyền máy 45 phút đến xã Chiềng Hoa rồi tiếp tục đi hơn 10 km đường bộ. Chúng tôi lựa chọn đường bộ, có đi mới biết, chặng đường thật gian nan, bởi những ổ voi, ồ gà lồi lõm, mặt đường bị cày xới, sạt lở bởi sức tàn phá của thiên tai. Chiếc xe máy của tôi phải về số 1 rồ ga liên tục mất gần 3 tiếng đồng hồ đánh vật với con đường, mới đến nơi. Có mặt ở trung tâm xã khi trời đã nhá nhem tối, sương giăng khắp các sườn đồi, nhìn vào các phòng của trụ sở UBND xã đều đã sáng điện. Đón khách, Chủ tịch UBND xã Mùa A Lụ, ái ngại: Mùa này, đường nối trung tâm xã ra bên ngoài còn đỡ, chứ mùa mưa, thường xuyên bị ách tắc. Chúng tôi có việc gì cần lắm mới ra ngoài xã, nhưng phải sử dụng xe máy đã lắp thêm vòng xích ở bánh để tránh trơn trượt... Cũng vì vậy mà hầu hết các cán bộ xã đều ở lại trụ sở, chỉ chiều thứ 6 mới về.

Sau bữa cơm tối, chúng tôi tranh thủ đến thăm một vài bản bởi được biết mùa này, ban ngày bà con đi nương hết, chỉ tối mới ở nhà. Anh Mùa A Lụ cho biết: Chiềng Công hiện có 1.463 ha đất canh tác, trong đó, gần 900 ha ngô; gần 80 ha lúa nước; 354 ha lúa nương, còn lại là một số cây khác như thảo quả, ý dĩ, rau đậu các loại. Những năm gần đây, cây sơn tra trên địa bàn xã phát triển mạnh, cả xã có gần 500 ha, trong đó có 400 ha đã cho thu quả. Chăn nuôi được coi là thế mạnh, đàn trâu, bò có trên 1.600 con. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được duy trì tốt, xã đã vận động nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ 8.800 ha rừng. Tuy nhiên, Chiềng Công vẫn là một xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 75,1%. Khó khăn lớn nhất của xã là về đường giao thông. Tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã dài gần 40 km, nhưng hiện mới được nhựa hóa gần 10 km. Còn đối với 17 bản, mới có 3,6/40 km được bê tông hóa, 7 bản có điện lưới.

Tại nhà văn hóa bản Đin Lanh, rất đông bà con của bản đang tập trung để phục vụ công tác thu thập thông tin dân cư. Trưởng bản Đin Lanh, Thào A Vư cho biết: Bản có 100 hộ, 491 khẩu. Năm nay, sơn tra, ngô, lúa của người dân trong bản sản xuất ra nhiều, nhưng do giao thông đi lại khó khăn nên không có thương lái tìm đến mua, bà con phải tự chở bằng xe máy xuống dưới trung tâm huyện để bán. Nói đến đây, anh thở dài: Nhà tôi cố gắng mua 1 chiếc xe máy trả góp trị giá hơn 30 triệu đồng. Đầu tháng 9 vừa qua, tôi chở 2 bao quả sơn tra, dự định mang xuống huyện để bán, nhưng vừa lên thuyền đi được một đoạn thì bị lật, may mắn người không bị sao, nhưng chiếc xe máy và bao sơn tra bị cuốn xuống lòng sông, không lấy lại được. Ngồi bên cạnh, anh Giàng A Chảng cho biết: Mấy năm gần đây, nhà tôi cũng trồng được nhiều ngô và lúa nhưng chủ yếu là để phục vụ chăn nuôi tại chỗ, bán được ít vì thương lái ngại đến mua, phần vì không muốn bán bởi giá thấp do chi phí vận chuyển cao. Bây giờ, mong muốn lớn nhất của bà con là có đường đi lại thuận tiện để phát triển kinh tế hàng hóa.

Nhân dân xã Chiềng Công tu sửa đường giao thông nông thôn.

Mục tiêu để xóa nghèo, nâng cao mức sống cho người dân luôn là điều mà lãnh đạo xã trăn trở. Trước mắt, xã tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng giống mới và các biện pháp khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Khai thác thế mạnh của địa phương về trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc, trồng cây sơn tra; vận động nhân dân tu sửa đường giao thông tới 17 bản trong xã. Còn về lâu dài, xã tiếp tục kiến nghị với các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường... tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa phát triển. Tăng cường hỗ trợ hộ nghèo vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất; mở các lớp dạy nghề ngắn hạn gắn với xây dựng mô hình kinh tế giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững...

Chia tay Chiềng Công, nhìn quãng đường về huyện, Chủ tịch UBND xã Mùa A Lụ ái ngại nhìn chúng tôi, nói: Chiềng Công vẫn còn gian khó, nhất là giao thông. Bà con mong các cấp hỗ trợ làm đường từ xã tới trung tâm huyện. Có như vậy, kinh tế của xã mới có thể phát triển, người dân mới có điều kiện giao lưu trao đổi hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới