Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quản lý ngoại thương

Tiếp tục Phiên họp thứ 6, chiều 9/1, Ủy ban thường vụ Quốc (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ 6 
của UBTVQH khóa XIV.

Dự án Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng gồm 8 chương với 118 điều, quy định về: Các biện pháp hành chính; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp phòng vệ thương mại; kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương…Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo là: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án Luật Quản lý ngoại thương đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại năm 2005, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theoquy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp Ủy ban Kinh tế và các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ một số nội dung của dự án Luật này cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, đa số ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Một số ý kiến đề nghị quy định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ngay trong Luật. Có ý kiến đề nghị giao UBTVQH ban hành Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. 

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, theo đó Danh mục này phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 20 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc áp dụng, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, sức khỏe, môi trường, thuần phong mỹ tục, an ninh lương thực, cổ vật… Ngoài ra, trong thực tế hiện nay, Danh mục này còn được các đối tác thương mại của Việt Nam, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) theo dõi sát sao để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế. 

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị UBTVQH cho giữ như quy định tại dự thảo Luật. Theo đó,  Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Trường hợp nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Về thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa nên giao Thủ tướng Chính phủ vì việc này không chỉ liên quan đến thẩm quyền hành chính mà còn là kiểm soát của Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ liên quan.

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho biết, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu là một biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương trong một thời điểm nhất định và có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian này, hàng hóa sẽ được nhập khẩu hoặc xuất khẩu bình thường. Như vậy, biện pháp quản lý này sẽ được áp dụng phụ thuộc vào thời điểm (hàng hóa liên quan phát sinh rủi ro/nhạy cảm trong một vài thời điểm nhất định như sản phẩm ôtô bị lỗi phanh, lô hàng hóa thực phẩm có chứa chất độc bị cảnh báo gây ung thư...) chứ không phải là tính chất của hàng hóa (ví dụ như rác thải điện tử, hóa chất độc...). 

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh chóng, kịp thời bảo vệ lợi ích chung. Mặt khác, khi áp dụng biện pháp này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định và phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên tham gia điều ước quốc tế đó. Do vậy, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị UBTVQH cho giữ như quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, trừ trường hợp luật có quy định khác. Bộ Công Thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước, vùng lãnh thổ có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, đối với danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu, UBTVQH hội thống nhất giao Chính phủ quy định; đồng thời nhất trí việc áp dụng tạm dừng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền Bộ Công thương. 

Thảo luận tại cuộc họp, đa số các Ủy viên UBTVQH nhất trí với các vấn đề mà Ủy ban Kinh tế nêu ra trong báo cáo. Riêng về vấn đề phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài quy định tại điều 109 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều Ủy viên khác của UBTVQH đề nghị chưa quy định việc thành lập mới tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương ở nước ngoài tại dự thảo Luật này. Vì cần phải có sự đánh giá hiệu quả của cả quá trình vừa qua và có chiến lược phát triển thương mại rõ ràng cụ thể, chứ không nên đưa định tính như trong dự thảo Luật hiện nay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần rà soát lại và bổ sung thêm những quy định chặt chẽ để bảo vệ hàng hóa trong nước; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước khi có tranh chấp bản quyền sản phẩm với  nước ngoài.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến  về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới