Ứng xử có văn hóa giữa các thành viên trong gia đình

Gia đình là “tế bào của xã hội”, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi con người, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Đó là thông điệp mà Chương trình văn nghệ tuyên truyền văn hóa ứng xử trong gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tại xã Chiềng Khoong (Sông Mã).

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình do học sinh Trường PTDT nội trú Sông Mã thể hiện.

 

Chương trình được chuẩn bị công phu, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên chuyên và không chuyên thuộc Đội tuyên truyền lưu động huyện Sông Mã và lựa chọn ở các xã, thị trấn, trường học trong huyện. Chương trình gồm 10 tiết mục ca, múa, nhạc, có chủ đề về tình cảm gia đình và 2 tiểu phẩm tuyên truyền có nội dung phê phán nạn bạo lực gia đình, đề cao cách ứng xử văn minh giữa các thành viên trong gia đình, nhất là mối quan hệ giữa vợ với chồng, bố mẹ với các con. Những tiết mục hay và đặc sắc đã thu hút đông đảo bà con đến xem và cổ vũ, qua đó lan tỏa thông điệp về tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, cũng như ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Là học sinh Trường PTDT nội trú Sông Mã tham gia tiểu phẩm “Nơi chúng tôi hạnh phúc” em Vừ A Bi, chia sẻ: Được các thầy, cô giáo lựa chọn tham gia diễn xuất, khi nghe phổ biến nội dung của tiểu phẩm, em nhận thấy đây là cơ hội để học hỏi cách ứng xử văn hóa trong gia đình. Từ đó, em sẽ truyền tải thông điệp đến bà con dự Chương trình và người dân trong bản. Em cũng coi đây là một trải nghiệm để tự đúc rút kinh nghiệm sau này có thể xây dựng một gia đình bình đẳng, hạnh phúc.

Sau khi Chương trình khép lại, chúng tôi trò chuyện với bà Cà Thị Phiện, bản Lè, xã Chiềng Khoong. Bà Phiện cho biết: Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng chung sống. Trong cuộc sống hằng ngày không tránh khỏi những lúc “xô bát, xô đũa”. Sau khi xem xong các tiểu phẩm tuyên truyền với những tình huống gần gũi với đời sống hằng ngày, tôi nghĩ một phần là do khoảng cách các thế hệ trong gia đình, nên sẽ có sự khác biệt trong suy nghĩ. Vì vậy, mỗi thành viên nếu biết lắng nghe sự góp ý của các thành viên khác, mọi mâu thuẫn trong gia đình sẽ được giải quyết, tránh để không khí căng thẳng diễn ra trong nhiều ngày, có như vậy mới giữ gìn được hạnh phúc gia đình. Qua đây, bản thân tôi cũng có thêm kinh nghiệm để ứng xử với các con, các cháu trong gia đình một cách phù hợp nhất.

Trên đây chỉ là một trong nhiều chương trình văn nghệ lồng ghép với tuyên truyền được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa về Luật Hôn nhân và Gia đình, bình đẳng giới... Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Gia đình nông dân gương mẫu”... Xây dựng và phát huy hiệu quả gần 200 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; trên 350 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững... Qua đó, nâng tỷ lệ xã, phường trong toàn tỉnh có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình lên gần 60%, góp phần ngăn chặn nạn bạo lực gia đình, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền có hiệu quả văn hóa ứng xử trong gia đình; tư vấn giúp các gia đình giữ gìn hạnh phúc.

Trao đổi với chúng tôi về việc nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình trong thời gian tới, ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Bên cạnh việc tổ chức các đợt tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, chúng tôi tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thực hiện thí điểm. Trong đó có tiêu chí ứng xử chung, đó là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và bốn tiêu chí ứng xử cụ thể, gồm: Tiêu chí ứng xử vợ với chồng; cha mẹ với con; ông bà với cháu; con với cha mẹ; cháu với ông bà; anh, chị, em với nhau. Bộ tiêu chí này được đưa vào thực tiễn để nhân dân cùng thực hiện, góp phần nâng cao chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình, từ đó xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc.

Với sự hội nhập như hiện nay, tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mạng xã hội, nên việc nâng cao văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình càng cần được quan tâm, để mỗi gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới