Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 19/3, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã đăng đàn, trả lời câu hỏi của các đại biểu về một số vấn đề được dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn.

Các đại biểu đã đặt câu hỏi trước Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia giải trình những vấn đề có liên quan. 

Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp 

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn có những tồn tại, bất cập mà các nhà khoa học và dư luận đã nêu. Từ đó, đại biểu Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi với Bộ trưởng về giải pháp trọng tâm để hạn chế hành vi lợi dụng ứng dụng công nghệ cao làm tổn hại lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích của người dân. 

Theo Bộ Trưởng Chu Ngọc Anh, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về vấn đề này từ năm 2017. Theo Luật Công nghệ cao, bên cạnh các chương trình và hỗ trợ cụ thể, có khái niệm về khu công nghệ cao, vùng công nghiệp công nghệ cao, vùng công nghiệp công nghệ cao... Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao về tiêu chí, những điều kiện cụ thể để nhận được hỗ trợ, ưu đãi. 

Thời gian qua, với khu vực nông nghiệp, khoa học công nghệ đã được áp dụng thành công và cho hiệu quả tác động rất rõ. Không chỉ có các tập đoàn đầu tư như VinEco, TH True Milk... , mà quan trọng hơn là hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp, tăng cường nội địa hóa... Việc triển khai gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đang được giải ngân tốt, đúng đối tượng, có tác động khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất. 

Trả lời thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam có tài nguyên lớn về nông nghiệp, đất đai. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có nhiều thành tựu to lớn, xuất khẩu nông sản cho 185 nước, đáp ứng đủ nhu cầu cho 95 triệu dân trong nước. Năm 2017 xuất khẩu nông nghiệp đạt 36,37 tỷ USD; năm 2018 dự kiến đạt trên 40 tỷ USD. Bộ trưởng Cường đánh giá những kết quả trên là sự cố gắng vượt bậc. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có ba nhóm nguyên nhân chính tác động đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, đó là chính sách, kỹ xảo lao động và nhóm nguyên nhân về ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó, có thể khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ là then chốt, quyết định, ảnh hưởng đến sự phát triển, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của nước ta. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, thách thức trong khu vực nông nghiệp sẽ khó khăn hơn như: biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của tiến trình hội nhập sâu rộng, quá trình tổ chức lại sản xuất từ các hộ nhỏ lẻ thành sản xuất quy mô lớn. "Ba thách thức này muốn giải quyết được thì phương hướng được xác định, mang tính quyết định nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng xác định những giải pháp trọng điểm, có chương trình hành động cụ thể. Hiện nay chúng ta đi theo đúng với tinh thần chỉ đạo đó" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Xây dựng các chuỗi sản xuất để phát triển nông nghiệp 

Quan tâm đến kết quả ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Lê Thị Nga đặt vấn đề: Dưới góc độ khoa học công nghệ cần đặc biệt lưu ý, đó là tình trạng giải cứu nông sản. Thời gian qua, người dân phải giải cứu dưa hấu, đường, hành, tỏi và đặc biệt hiện nay là giải cứu su hào, củ cải... Đây là thực trạng diễn ra nhiều năm, không chỉ trong năm nay. Hiệu quả của nghiên cứu khoa học phục vụ cho tiêu thụ và chế biến nông sản thời gian qua như thế nào? 

Khẳng định đây là vấn đề cần quan tâm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ: Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, trước chỉ có một chương trình quốc gia phục vụ liên quan đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhận thức đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất của nông nghiệp nếu không sẽ gây khó khăn cho nông dân, Bộ đã đề ra một số giải pháp để giải quyết thấu đáo vấn đề này. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ngay trong năm 2018 sẽ có 8 nhà máy liên quan theo chuỗi được khánh thành, tạo cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định sức sản xuất của nước ta là rất lớn trên tất cả các ngành hàng, tuy nhiên còn bất cập ở hai khâu chế biến và tổ chức thị trường. Chính vì vậy, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp đi sâu vào hai mảng đang yếu trên. Năm 2018 sẽ có 8 nhà máy chế biến nông sản được khởi công và khánh thành để tiếp tục khai thác lợi thế về nhóm hàng nông sản Việt Nam. Với số lượng hộ nông dân lớn như hiện nay không thể làm trong một năm nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình Nghị quyết của Quốc hội là sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hướng đến toàn cầu, khắc phục được những tồn tại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản để tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương thực hiện. Các bộ chuyên ngành phải có trách nhiệm cùng các địa phương. Các bộ ngành, địa phương, các thành phần kinh tế, người dân cần thực hiện theo đúng lộ trình nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong nhận được sự chia sẻ của các đại biểu Quốc hội trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở từng địa phương, để bảo đảm cho mục tiêu, có hiệu quả như mong muốn. 

Cùng tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất đặc biệt là việc tái cơ cấu lại nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập. Theo Bộ trưởng, yếu tố có ý nghĩa then chốt là tái cơ cấu lại nông nghiệp theo cơ sở xây dựng các chuỗi cung ứng của khu vực, toàn cầu chứ không thể tổ chức theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Vai trò của khoa học công nghệ thể hiện rõ trong các yếu tố. Đầu tiên, cần nghiên cứu quy hoạch để tổ chức tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; quy hoạch này phải dựa trên đánh giá về thị trường, nhu cầu thị trường, điều kiện tiếp cận. Việt Nam ký được các hiệp định thương mại tự do (FTA) không có nghĩa là đã tiếp cận được các thị trường lớn mà còn liên quan đến hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là an toàn thực phẩm. 

Công nghệ phải đóng vai trò chủ chốt trong mô hình sản xuất, đặc biệt là trong việc chế biến, bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc phối hợp giữa ba bộ gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương là hết sức cần thiết; phải bắt đầu từ mô hình chuỗi, tổ chức sản xuất và quy hoạch của thị trường. Trong tương lai, ba bộ cần tiếp tục phối hợp trong hoạt động để mở cửa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Việc thực hiện các thủ tục để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật, kiểm định chất lượng sản phẩm có vai trò then chốt và cần có vai trò doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là yếu tố để đưa khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Quan trọng là phải đưa ra các khung chính sách để các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp có đầu tư nông nghiệp sử dụng ứng dụng của khoa học công nghệ, giúp người dân có thể tham gia các chuỗi này. Ba bộ hiện đang xây dựng các chuỗi sản xuất theo quy mô sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch với yêu cầu là đầu mối để đưa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng các mô hình theo các chuỗi này - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm. 

Tình trạng đề tài nghiên cứu "bỏ ngăn kéo" là trăn trở 

Quan tâm đến việc hằng năm ngân sách chi bao nhiêu tiền cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong khi đó nhiều đề tài "bỏ ngăn kéo", đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá về hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học đó, nghĩa là nghiên cứu chỉ là nghiên cứu mà không có giá trị thực tiễn; đồng thời yêu cầu Bộ trưởng đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.

Thừa nhận tình trạng đề tài nghiên cứu "bỏ ngăn khéo" là trăn trở của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, nghiên cứu khoa học có đặc thù riêng, có độ trễ, độ sai, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích. Bộ đang tập trung rà soát, tái cơ cấu lại chuỗi nghiên cứu khoa học công nghệ. Việc tập trung vào nhiệm vụ trọng điểm đều phải gắn với doanh nghiệp và đồng hành cùng các cơ chế đầu tư đối tác công tư. Giải pháp trọng điểm là tập trung, huy động các nguồn lực để đi vào phát triển kinh tế, chuỗi sản xuất. 

Làm rõ thêm về nội dung liên quan đến ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong thời gian dài phải tập trung ưu tiên ngân sách cho các lĩnh vực khác nhưng lĩnh vực khoa học công nghệ về cơ bản thực hiện đúng theo nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, bố trí khoảng 2% tổng chi ngân sách theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội. 

Về cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ, thời gian qua các Bộ gồm: Tài chính, Khoa học và Công nghệ thường xuyên đổi mới cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế tài chính cho các đề tài và dự án. Các Thông tư 55, Thông tư 27 có bước đổi mới hết sức toàn diện. Nếu cách đây 30-50 năm trở về trước, phần lớn các nhà khoa học đều phàn nàn về cơ chế thanh quyết toán kinh phí khoa học công nghệ. Tuy nhiên những năm gần đây đã có tiến bộ lớn, các thông tư này cơ bản giải quyết được những vấn đề về chứng từ, thanh toán, các đề tài khoa học công nghệ, trong đó đề cao trách nhiệm cơ quan, chủ đề tài dự án. 

Khắc phục tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường 

Đặt câu hỏi tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn phấn khởi trước những thành quả của sự nghiệp khoa học công nghệ của nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chính phủ có báo cáo Quốc hội về tình trạng của 12 dự án kém hiệu quả. 

"Có một điểm chung mà chúng tôi nhìn thấy là tất cả dự án này thì đều có công nghệ cũ, lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Rõ ràng là đã có một kẽ hở khá lớn trong công tác quản lý để các công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường này nhập khẩu hoặc là thông qua các dự án được nhập khẩu vào nước ta" - đại biểu Nguyễn Bá Sơn đưa ý kiến và đề nghị Bộ trưởng cho biết về những khiếm khuyết, kẽ hở là gì và các cơ quan chức năng đã xử lý vấn đề này như thế nào? Và liệu tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra hay không? 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là sự băn khoăn của Quốc hội về vấn đề kiểm soát các công nghệ được nhập về trong nước. Quốc hội cũng đã bàn bạc thấu đáo, thể hiện hướng xử lý một cách có hệ thống, căn cốt vấn đề này theo tinh thần Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai Luật. Trong đó, đáng chú ý là đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ về môi trường và các vi phạm quy định các pháp luật liên quan thì phải có đánh giá về môi trường. Từ đó sẽ không còn kẽ hở và thực trạng về công nghệ ảnh hưởng môi trường sẽ được giải quyết. Cùng với Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục có ý kiến để Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định liên quan trong các luật về đầu tư, đầu tư công, luật về xây dựng... thì sẽ giải quyết được một cách hệ thống vấn đề này. 

"Bộ Khoa học và Công nghệ cũng là thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để đánh giá công nghệ, khắc phục cũng như hướng xử lý" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết. 

Cần cơ chế, động lực kinh tế thực sự đẩy mạnh khoa học công nghệ 

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nhà nước cần có những cơ chế thiết thực, động lực kinh tế để các doanh nghiệp thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thấy được sự cấp thiết phải làm khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Phó Thủ tướng, so với các chỉ số khác như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, vị trí khoa học công nghệ của Việt Nam trên thế giới cơ bản là tốt. Điều đó thể hiện qua chỉ số sáng tạo, đổi mới toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 47 trên thế giới. Trong đó, 5 nhóm chỉ số đầu vào là thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của các loại thị trường, môi trường kinh doanh có vị trí trung bình 71. Còn 2 nhóm chỉ số đầu ra là tri thức công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo, trực tiếp liên quan đến ngành khoa học công nghệ, Việt Nam đứng thứ 38. 

Theo Phó Thủ tướng, để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, vốn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, không chỉ cần đẩy mạnh khoa học công nghệ mà phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu vốn, định hướng mới về thị trường, dịch vụ, hàng hoá, nguồn nhân lực… Riêng đối với khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cơ chế thiết thực, động lực kinh tế để các doanh nghiệp thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thấy được sự cấp thiết phải làm khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cơ chế tự chủ để các viện nghiên cứu nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho khoa học công nghệ, đưa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong các trường đại học. 

Cùng với đó, Nhà nước phải tạo môi trường thực sự đồng bộ từ các chính sách kinh tế để doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo đến nguyên lý chấp nhận rủi ro, độ trễ khoa học trong vận hành các thiết chế đầu tư cho khoa học công nghệ. Đã có ví dụ rất tốt như mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) khi những đề tài của quỹ này tài trợ 50% kinh phí đã chiếm 1/4 tổng số nghiên cứu công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. 

Điểm cuối cùng vô cùng quan trọng, theo Phó Thủ tướng, đó là mọi khâu liên quan đến nghiên cứu khoa học công nghệ đều phải công khai minh bạch, từ đăng ký đề tài, kết quả, quá trình thẩm định, bỏ phiếu kết quả đề tài… để giới khoa học cùng phản biện. Các đề tài khoa học công nghệ cần được kết nối với cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và thế giới để các nhà khoa học không mất thời gian, công sức nghiên cứu lại những vấn đề mà trong nước, quốc tế đã nghiên cứu rồi. 

Bế mạc phiên họp 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã kết thúc với kết quả tốt đẹp; hai Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đã kết luận cụ thể từng phiên chất vấn. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần không ngừng đổi mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này. Qua đó đã tạo được sự tương tác nhiều hơn, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề chất vấn và nâng cao trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra đó là nhiều đại biểu được chất vấn và cách chất vấn cũng ngắn gọn, không trùng ý. Bộ trưởng trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề và không mất nhiều thời giờ để ghi chép câu hỏi hoặc khi trả lời không có bỏ sót câu hỏi. Việc thí điểm này sẽ được tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm và có thể làm căn cứ để báo cáo Quốc hội tiếp tục đổi mới để thực hiện tại kỳ họp thứ 5 tới, có cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp đã cam kết và báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm gửi thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn đến các cơ quan hữu quan. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng trong ngày 19/3 và tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề cần thiết trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm phụ trách để kịp thời có giải pháp xử lý vấn đề bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, 6 nội dung đã được xem xét quyết định trong đợt 1 của phiên họp đã được Tổng Thư ký Quốc hội gửi thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn hai phiên họp nữa để chuẩn bị cho các nội dung trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Tại phiên họp thứ 23 vào tháng 4/2018 sẽ có một khối lượng công việc rất lớn, cho ý kiến 12 dự án luật cũng như nội dung quan trọng khác trong đó có 3 dự án luật chuyển từ nội dung phiên họp thứ 23 sang và có 4 dự án luật do Chính phủ đề nghị bổ sung. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các dự án luật lần đầu trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội cần phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chậm nhất là tại phiên họp thứ 23 để kịp tiếp thu, chỉnh lý và gửi tài liệu xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên họp thứ 24 (vào tháng 5/2018) có thời gian rất hạn chế do sát với ngày khai mạc kỳ họp nên chỉ tập trung cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét rà soát lần thứ hai, lần thứ ba nếu có đối với một số dự án luật còn có những ý kiến khác nhau. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương chuẩn bị các dự án luật bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời cho ý kiến vào phiên họp thứ 23, 24./. 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới