Ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng NTM

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Sơn La có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trước hết, các cấp, các ngành, huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ hữu cơ trong sản xuất, chế biến, chọn lai tạo nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất. Tăng cường hệ thống phòng trừ, kiểm soát dịch hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường...). Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.

Hướng dẫn, ban hành quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật. Trọng tâm là sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực. Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương của tỉnh từ nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu…

Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách thu hút thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp sinh thái. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tích hợp các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn. Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn bền vững trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ. Ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ quản trị nông thôn; xã hội hóa công nghệ thông tin trong quản lý cộng đồng, kết nối bản, hợp tác xã, đáp ứng tốt hơn dịch vụ công trong cộng đồng cư dân nông thôn. Phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, bản thông minh với các dịch vụ nông thôn phù hợp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của vùng, huyện, thành phố và gắn với quá trình đô thị hóa.

Phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ; mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái. Mô hình làng sinh thái, làng thông minh đáp ứng an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn. Mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới