Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Hơn 3 năm huyện Thuận Châu thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại các xã trồng chè, cà phê, cây ăn quả đã cho hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã và người dân trong huyện triển khai và nhân rộng.

 

Công nhân Công ty TNHH Trà Thu Đan kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây chè theo công nghệ Israel.

Để thấy rõ hiệu quả của mô hình, chúng tôi đến xã Phổng Lái, là địa phương được huyện triển khai mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel với 6,2 ha cà phê cho 2 hộ tại bản Tiên Hưng. Tại nương cà phê của gia đình, ông Ngô Văn Điện đang vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Điện nói: Bản thiếu nước sinh hoạt, nương cà phê của gia đình rộng nên cà phê luôn bị thiếu nước, năng suất thấp. Năm 2015, gia đình tôi được huyện hỗ trợ bể chứa, hệ thống ống, phân hòa tan và hướng dẫn quá trình vận hành mô hình tưới nhỏ giọt cho hơn 3 ha cà phê theo công nghệ Israel. Từ khi thực hiện mô hình, cà phê phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh, quả to, chắc; năng suất đạt từ 11-12 tấn quả/ha (hơn 2 tấn so với không sử dụng hệ thống tưới ẩm); sản lượng đạt hơn 30 tấn quả cà phê tươi/năm; trừ chi phí thu hơn 300 triệu đồng.

Còn tại xã Chiềng Pha, huyện cũng triển khai công nghệ tưới tiết kiệm với 48 ha chè từ 2015 tại bản Noong Lào. Khi thực hiện mô hình, huyện đã hỗ trợ xây dựng trạm bơm, bể chứa, trục vòi để người dân áp dụng. Ông Lò Văn Sứa, bản Nong Lào (Chiềng Pha) cho biết: Gia đình tôi có 2 ha chè, trong đó 0,7 ha thu hoạch nhiều năm, 1,3 ha bắt đầu cho thu hoạch. Ngày trước, chè đạt năng suất cao từ tháng 3 đến tháng 9 do đủ nước tưới, còn những tháng cuối năm thời tiết hạn, năng suất chè thấp. Từ khi triển khai mô hình tưới tiết kiệm cho cây chè ở bản, thu nhập tăng cao hơn, cây chè phát triển ổn định. Cùng với đó, gia đình tôi còn trồng xen cây ăn quả như mận, xoài, nhãn trên diện tích chè để tăng thêm thu nhập... Năm 2017, gia đình thu 15 tấn/ha chè búp tươi, thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha và thu 20 triệu đồng từ cây ăn quả.

Tìm hiểu được biết, để triển khai mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và mô hình tưới ẩm, huyện Thuận Châu đã tổ chức cho các hộ dân của xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lập đi thăm quan, học tập kinh nghiệm triển khai mô hình tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn), Chiềng Cọ (Thành phố). Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện xuống cơ sở khảo sát địa hình, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Tuyên truyền, vận động người dân ở các xã nhân rộng mô hình. Từ hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào thâm canh các cây công nghiệp tại 2 xã Chiềng Pha và Phổng Lái, đến nay, nông dân, doanh nghiệp và tổ hợp tác xã trong toàn huyện đã nhân rộng mô hình lên hơn 300 ha chè, 12 ha cà phê; 5 ha cà phê xen cây ăn quả, 2 ha cây ăn quả, 1 ha cây sa nhân tại các xã Muổi Nọi, Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lập và Bản Lầm. Trong đó, tiêu biểu là Công ty TNHH Trà Thu Đan, xã Phổng Lái (Thuận Châu), với hơn 10 ha chè được triển khai mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel. Đây là mô hình được doanh nghiệp tự đầu tư chi phí lắp đặt công nghệ với 95 triệu đồng/ha. Sau đầu tư, doanh nghiệp thực hiện tưới cấp ẩm, cấp phân cho cây chè trong mùa khô theo đúng quy trình, đó là: Tưới cấp ẩm 3 ngày 1 lần và tưới cấp phân 7 ngày 1 lần. Qua triển khai, sản lượng chè tăng cao so với thời điểm chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sản phẩm mẫu mã đẹp, cánh chè đều, khách hàng ưa chuộng và dễ xuất khẩu. Trao đổi thêm về hiệu quả của công nghệ tưới nhỏ giọt áp dụng cho diện tích chè của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan, khẳng định: Áp dụng công nghệ này, năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn búp tươi/ha (tăng từ 6-8 tấn so với không sử dụng hệ thống tưới ẩm), tổng thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, Công ty có trên 20 ha chè, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sử dụng công nghệ tưới ẩm của Israel. Công nghệ này có thể áp dụng cho các loại cây trồng, dễ vận hành và tiết kiệm thời gian, nhân công...

Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đã rõ, tuy nhiên do chi phí đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới còn cao; nhiều nơi chưa chủ động được nguồn nước, người dân trên địa bàn huyện Thuận Châu mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cho người dân trên địa bàn.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới