Tỷ phú trên đất Chiềng Ban

Chiềng Ban (Mai Sơn) mùa này phủ trắng màu hoa cà phê, hoa bưởi, hoa cam... những tia nắng vàng trải dài trên con đường nhựa phẳng phiu càng tô đậm thêm nét trù phú của mảnh đất nơi đây. Chuyến đi của chúng tôi lần này để gặp lại người cựu chiến binh tỷ phú Đặng Đình Thị với những gốc cam bạc triệu.

 

Vườn cam của gia đình ông Đặng Đình Thị cho thu nhập bình quân 1 triệu đồng/cây/năm.

 

Khi chúng tôi đến, người cựu chiến binh già đã đứng đón trước sân với nụ cười tươi rói. Sau cái bắt tay thật chặt, ông mời chúng tôi vào nhà, bên ấm trà tỏa hương thơm ngát là đĩa hoa quả ông mới hái từ vườn. Rót chén chè mời khách, ông bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình. Sinh năm 1953 tại Phù Cừ, Hưng Yên, năm 1963 ông cùng gia đình lên đất Sơn La lập nghiệp. Như bao chàng trai khác, năm 1972 ông lên đường nhập ngũ và từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, rồi về công tác tại Viện Quân y 6, sau đó tiếp tục công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Đến năm 1992, ông được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Câu chuyện giữa chúng tôi và ông bị ngừng lại khi chuông điện thoại của ông reo lên, sau cuộc điện thoại, ông cười và nói: Là điện thoại của người bạn hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây cam, thấy mô hình trồng cam của tôi hiệu quả nên nhiều hộ gia đình nông dân, cựu chiến binh hỏi để học làm theo.

Tiếp tục câu chuyện về những thăng trầm của cuộc đời, ông Thị kể: Cuộc đời tôi đã trải qua rất nhiều nghề, nhưng một trong những kỷ niệm đáng nhớ là năm 1996, khi tôi làm chủ nhiệm HTX Hoa Mai, lúc đó tôi đảm nhận trách nhiệm phụ trách vùng mía nguyên liệu rộng 500 ha cho Nhà máy mía đường Sơn La, gia đình dành toàn bộ 3 ha đất vườn để trồng mía. Nhưng khi đó Nhà máy mía đường làm ăn thua lỗ, mía đến kỳ thu hoạch đem về chất đống ngoài trời không có ai thu mua, nhìn cả một đống tài sản nằm phơi sương phơi nắng ai cũng xót xa. Tìm kế sinh nhai mới, ông chuyển sang nuôi lợn kết quả vẫn không thành, rồi lại chuyển trồng cà phê. Toàn bộ 3 ha đất của gia đình phủ trắng màu hoa cà phê, thế nhưng khi cây cà phê đang phát triển và cho thu hoạch ổn định thì vào cuối năm 2013, những đợt sương muối dày đặc đã khiến cho cây cà phê bị ảnh hưởng nặng, nhìn những gốc cà phê chết cháy vì sương muối tôi chỉ biết lặng người!

Trăn trở tìm hướng đi khác, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn bạc với vợ con và quyết định vay vốn mua 18 con bò giống về nuôi theo mô hình trồng cỏ nuôi nhốt chuồng. Ông Thị chia sẻ: Yếu tố đưa đến thành công của việc nuôi bò nhốt chuồng chính là 5.000 m2 cỏ VA06 được trồng và sử dụng công nghệ tưới ấm, đảm bảo nguồn thức ăn vào mùa đông. Cùng với đó, hệ thống chuồng nuôi cũng được xây dựng kiên cố, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông, sân cho bò “tắm nắng” được tách riêng. Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được thu gom vào bể để ủ hoai làm phân bón cho cây trồng nên môi trường không bị ô nhiễm. Trong tay cầm bó cỏ cho bò ăn, ông say xưa kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị về những con bò, bê. Và tôi đã thấy niềm vui hiện hữu trên ánh mắt khi ông đang có trong tay đàn bò trị giá cả nửa tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả đang mùa trổ hoa, những cây bưởi, cam đua nhau tỏa hương khiến cho ai khi đến đây cũng phải say lòng. Vườn cây ăn quả của gia đình ông có 600 cây cam, bưởi các loại, 150 cây ổi giống Đài Loan, 120 gốc thanh long ruột đỏ. 1 ha vườn cây ăn quả được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên việc tưới nước, bón phân rất hiệu quả. Năm 2017, trung bình mỗi cây cam cho thu hoạch 1 triệu đồng. Tôi nhẩm tính, vườn cây ăn quả của gia đình ông một năm cho thu cũng ngót tỷ đồng. Và ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, vào mùa vụ thì số lao động tăng lên gấp 3 đến 4 lần.     

             

Sau một tour tham quan những khu đầu tư nuôi, trồng của gia đình ông, trở lại căn nhà, ông cẩn thận lấy ra tập Bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương, tỉnh đến địa phương. Trong số đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về “Đã có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen “Là người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất giai đoạn 2012 - 2017”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hội Cựu Chiến binh tỉnh và của các cấp, các ngành về những đóng góp của ông... Và “Giấy chứng nhận Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”. Ông tâm đắc chia sẻ: Mình là người nông dân mà lại được nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc thì còn gì bằng, đối với tôi đây là tài sản vô giá.

Kỷ niệm không thể quên trong đời ông là vào đầu năm 2014, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Sơn La đến thăm, tặng quà và động viên gia đình. Những lời thăm hỏi ân cần và động viên kịp thời chính là động lực để ông vươn lên trong cuộc sống và đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Không những giỏi phát triển kinh tế gia đình, ông còn là người tích cực tham gia công tác xã hội. Tính đến nay, ông đã có hơn 20 năm là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản và ông cũng là Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022. Bằng những kinh nghiệm và điều kiện tích lũy được, ông đã giúp đỡ nhiều gia đình trong và ngoài xã phát triển kinh tế. Điển hình như ông Trần Văn Thực, là CCB có hoàn cảnh khó khăn của xã Chiềng Ban được ông Thị giúp đỡ về bê con, giống cỏ VA06 và kỹ thuật để phát triển nuôi bò nhốt chuồng, đến nay, gia đình ông Thực đã có 3 con bò và vườn cỏ để làm thức ăn cho bò. Không chỉ có gia đình CCB Trần Văn Thực mà có rất nhiều gia đình khác trong xã có hoàn cảnh khó khăn được gia đình ông Thị giúp đỡ và đã thoát nghèo.

Thiếu tướng Cầm Xuân Ế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: CCB Đặng Đình Thị là một người luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước, không chỉ giỏi về phát triển kinh tế mà ông còn nhiệt tình giúp đỡ các CCB có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, mô hình phát triển kinh tế của gia đình CCB Đặng Đình Thị là mô hình mẫu để Hội Cựu chiến binh tỉnh nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Hoàng Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban chia sẻ: Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Đặng Đình Thị không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn là động lực để người dân trong xã học và làm theo. Ngoài việc phát triển kinh tế ông Thị còn là người Bí thư Chi bộ, Trưởng bản tận tâm với công việc, ông cùng với nhân dân bản Hoa Mai đóng góp rất lớn vào thành công của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Ban. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Đặng Đình Thị đã nhiều lần được đón các đoàn của tỉnh ta và các tỉnh lân cận đến thăm quan học tập.

Trong mỗi chúng ta đều có những ước mơ riêng, còn đối với người cựu chiến binh Đặng Đình Thị, mong ước lớn nhất của ông không phải là tiền tài, vật chất, cũng không phải là hào hoa, phú quý. Ở cái tuổi không còn trẻ của ông, thì mong ước lớn nhất đối với ông lúc này là sẽ xây dựng vườn cây ăn quả sạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hình thành khu du du lịch trải nghiệm để các cháu học sinh đến thăm quan và trải nghiệm. Từ đó giúp các cháu học sinh có thêm kỹ năng sống và biết trân trọng những giá trị từ lao động.

Chia tay, ông tặng tôi món quà từ chính vườn cây mà ông hằng ngày chăm sóc, những trái ổi ngọt thơm chính là thành quả của ông sau bao năm gắn bó với nông nghiệp. Hy vọng rằng, sẽ ngày càng có nhiều tấm gương về lao động sản xuất, kinh doanh giỏi để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới