Tự hào vùng đất Bác về thăm

Vinh dự, tự hào là vùng đất được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện, dặn dò 60 năm về trước, cụ thể hóa các hoạt động thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu đoàn kết một lòng, sôi nổi thi đua xây dựng vùng đất cao nguyên ngày càng phát triển, đổi mới.

Du khách tham quan Khu du lịch Happy Land Mộc Châu.

Năng động trong phát triển kinh tế

Thực hiện lời Bác dạy, quân và dân các dân tộc huyện Mộc Châu không chỉ hăng say lao động, sản xuất mà còn lập nhiều thành tích trong chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nhân dân các dân tộc càng thêm đoàn kết, hăng hái thi đua, phát huy lợi thế, tiềm năng, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, du lịch bền vững... Từ vài chục con bò sữa, một ít hạt giống chè shan tuyết do cán bộ, chiến sĩ, công nhân Nông trường quốc doanh Mộc Châu nuôi dưỡng, ươm mầm từ năm 1958, nay đã trở thành những vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Toàn huyện hiện có gần 23.000 con bò sữa, sản lượng sữa hơn 42 nghìn tấn/năm, chế biến thành 15 loại sản phẩm, xuất bán khắp 50 tỉnh, thành phố trong cả nước; cao nguyên giờ phủ xanh gần 2.000 ha chè xanh, sản lượng khoảng 25 nghìn tấn búp tươi mỗi năm; các sản phẩm chè đã chiếm lĩnh thị trường khắp các tỉnh, thành và nhiều nước trên thế giới.

Thực hiện Quyết định 575/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Mộc Châu đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; xây dựng và hình thành cụm tương hỗ nông sản chất lượng cao; quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện phù hợp, hình thành vùng chuyên canh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Toàn huyện hiện có hơn 8.500 ha cây ăn quả các loại; 211 ha cây nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Israel; 889 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 63 HTX kiểu mới...; từ đầu năm đến nay, Mộc Châu đã xuất khẩu trên 1.100 tấn sản phẩm nông sản, trị giá 3,3 triệu USD.

Với mục tiêu đưa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh và của vùng Trung du miền núi phía Bắc, huyện Mộc Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đảm bảo hài hòa các yếu tố: Kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường và lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án “Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Dải Yếm”, “Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp rừng thông bản Áng, xã Đông Sang”...; các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá được quan tâm; duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, như: Lễ hội hoa xuân, Lễ hội Hết Chá, cầu mưa, Lễ hội hoa lan, Lễ hội trà, Lễ hội hái quả, Ngày hội văn hóa các dân tộc, Hội thi hoa hậu bò sữa...; số lượng du khách đến Mộc Châu ngày càng tăng (từ năm 2016 đến nay, thu hút khoảng hơn 4 triệu lượt khách du lịch), doanh thu từ du lịch ước hơn 3.700 tỷ đồng...

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Song song với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được Mộc Châu đặc biệt chú trọng, như giúp đỡ các hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bằng cách huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, rà soát các hộ nghèo, tìm nguyên nhân và phân loại hộ nghèo để đề ra các giải pháp giúp thoát nghèo; giao từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo... Tính đến tháng 6, đã có 7 xã, thị trấn cho 42 hộ nghèo mượn gần 15 ha đất cộng đồng để sản xuất; hướng dẫn lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất cho 55 hộ nghèo với 33.720 m2 đất; vận động tư thương trả lại đất cho 53 hộ, 243 nhân khẩu để người dân có đất sản xuất; tổ chức 17 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.982 lượt người, đưa 14 lao động làm thủ tục xuất khẩu lao động và gần 1.000 lượt lao động đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức cho 1.156 hộ nghèo có nhu cầu đi học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện... Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ làm nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo, bình quân hằng năm làm từ 150 - 160 nhà. Chăm lo cho thế hệ trẻ, huyện kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em được đến trường, yên tâm học tập; 2 năm 2018 - 2019, kêu gọi 72 tập thể, cá nhân đăng ký đỡ đầu 171 học sinh hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng trong thời gian 3 năm với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Lời căn dặn của Bác: “Trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao” đã trở thành nếp nghĩ, việc làm thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng dưa lưới tại HTX Hoa Mộc Châu.

50 năm thực hiện Di chúc của Bác và những lời căn dặn của Người khi về thăm Mộc Châu luôn là động lực để các thế hệ cán bộ, đảng viên nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp nối, đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, góp sức xây dựng cao nguyên trở nên trù phú, giàu có, xứng đáng kỳ vọng của Bác là xây dựng cao nguyên Mộc Châu giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, đa dạng về văn hóa xã hội, vững về quốc phòng, an ninh.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới