Trung Quốc và Mỹ sẽ trở lại đàm phán tranh chấp thương mại

Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua đối thoại hòa bình và kịch liệt phản đối leo thang xung đột về cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. (Ảnh: Reuters)


Đây là thông điệp được Phó Thủ tướng kiêm trưởng đàm phán thương mại của Trung Quốc – ông Lưu Hạc đưa ra tại một Hội thảo công nghệ ở thành phố Trùng Khánh thuộc miền Tây Nam Trung Quốc, ngày 26/8.

Cùng ngày, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thành phố Biarritz (Pháp), Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng xác nhận việc Trung Quốc đã liên lạc với giới chức thương mại Mỹ vào tối 25/8, trong đó bày tỏ mong muốn quay lại bàn đàm phán và hai bên sẽ khởi động các vòng đối thoại một cách “rất nghiêm túc”. Bên cạnh đó, ông D.Trump cũng hoan nghênh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đã tỏ rõ sự mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Vào đêm qua, phía Trung Quốc đã gọi điện cho đại diện cấp cao về thương mại của chúng tôi và đề nghị hai bên cùng quay trở lại bàn đàm phán, vì thế, chúng tôi sẽ cùng thực hiện điều này và tôi cho rằng Trung Quốc muốn làm một điều gì đó. Họ đã bị tổn thất nặng nề song họ hiểu rằng đây là hành động đúng đắn và tôi rất tôn trọng điều này. Đây cũng là một diễn biến tích cực cho thế giới…” – ông D.Trump nói.

Trước đó, ngày 25/8, ông D.Trump cũng nhận định rằng, Trung Quốc và Mỹ đang “rất hòa hợp” và vẫn đang theo đuổi tiến trình đối thoại. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông có thể tuyên bố sự leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là tình trạng khẩn cấp quốc gia, song ông không có kế hoạch thực hiện điều này vào thời điểm hiện tại.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu phản ứng tiêu cực từ thị trường, ngày 25/8, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bất chấp những đòn trả đũa thuế quan gần đây mà hai nước đã áp lên hàng hóa của nhau. Tuy nhiên, quan chức này cũng không đưa ra “lời hứa hẹn” nào về khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

“Tôi không đưa ra lời hứa hẹn nào. Tôi cũng không muốn đưa ra dự báo gì. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại rằng, các vòng đàm phán giữa hai cường quốc vẫn đang được tiếp tục…Tôi cho rằng, đối thoại luôn luôn tốt hơn so với việc không đối thoại. Vì thế, các đại diện của hai nước sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình đối thoại” – ông Kudlow phát biểu trên chương trình “State of the Union” của hãng truyền thông CNN hôm 25/8.

Bất chấp những căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Kudlow nhận định rằng, các vòng đối thoại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tỏ ra hữu ích.

“Hồi tuần trước, các đại diện đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc họp qua điện thoại được đánh giá là thành công và mang tính xây dựng. Tôi cho rằng một sự kiện tương tự đang được lên lịch trình thực hiện trong tuần tới…Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, ít nhất thì phía Mỹ đang tiếp tục triển khai kế hoạch cho chuyến thăm của các đại diện Trung Quốc diễn ra vào tháng 9/2019…Vì thế, các vòng đàm phán vẫn đang tiếp diễn và tôi cho rằng, đây là một điều quan trọng mấu chốt” – ông Kudlow nói.

Cuối tuần trước, Tổng thống D.Trump đã áp thuế bổ sung 5% đối với 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm trả đũa hành động gây sức ép tương tự mà Bắc Kinh đưa ra đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Những diễn biến căng thẳng chưa có điểm dừng xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp của hai nước mà còn tiếp tục tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế thế giới. Chính vì thế, việc cả Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu về khả năng tiếp tục giải quyết bất đồng thương mại thông qua đối thoại là điều vô cùng quan trọng và được xem là một phương án khả thi để không đẩy căng thẳng leo thang.

Ngày 25/8, tờ Nikkei Asia Review đăng tải bài phân tích cảnh báo, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa các hoạt động đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Bài báo cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực hợp tác trong đầu tư trực tiếp nước ngoài – một động lực của tiến trình toàn cầu hóa đang bị chững lại và điều này đã phản ánh một tâm lý đầu tư thiếu mạnh mẽ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới