Trồng chanh leo - Hướng đi mới của nông dân xã Phiêng Khoài

Với điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, phù hợp trồng các loại cây như: Chè, mận hậu, sơn tra, hồng đỏ... 2 năm qua, người dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) còn đưa thêm cây chanh leo vào trồng, góp phần tăng thêm thu nhập.

Cán bộ khuyến nông xã Phiêng Khoài (Yên Châu) hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc cây chanh leo.

Là xã vùng 3, biên giới của huyện Yên Châu, Phiêng Khoài có hơn 7.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, bà con chủ yếu trồng ngô, chè, mận hậu. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của xã và Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, một số gia đình bản Lao Khô I đã chuyển đổi 5 ha trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Chúng tôi đi thăm khu trồng chanh leo tập trung của bản Lao Khô I, đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt, nhận thấy vườn chanh leo xanh mướt, trải dài trên sườn đồi của các gia đình trong bản. Đang phân loại những quả chanh leo vừa thu hoạch để xuất bán, anh Tráng Lao Kỷ, bản Lao Khô I phấn khởi: Được Ban Quản lý bản vận động và được cán bộ khuyến nông xã, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, nên tháng 1 năm 2017 gia đình tôi đã chuyển một phần diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây chanh leo. Với hơn 200 gốc chanh leo, mỗi vụ gia đình tôi thu khoảng 5 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 70 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình tôi dự định trồng thêm 1 ha cây chanh leo, mong rằng chanh leo sẽ là cây xóa nghèo cho gia đình tôi và các hộ trong bản.

Theo giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi tìm đến vườn chanh leo được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP của gia đình chị Vì Thị Sói, bản Ái 2. Đang vào mùa thu hoạch nên vườn chanh leo của gia đình chị cứ 3-5 ngày lại được thu hoạch. Chị Sói cho biết: Vườn chanh leo của gia đình tôi rộng 3.000 m², trồng từ tháng 2/2018. Gia đình tôi trồng chanh leo theo quy trình VietGAP, từ khâu làm cỏ, bón phân, sử dụng các chế phẩm sinh học đều có sổ ghi chép và thực hiện khép kín. Hiện gia đình đã thu hoạch hơn 6 tấn quả, được trên 110 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn thu mua chanh leo của các gia đình trong bản, trong xã, đầu tư mua xe ô tô để vận chuyển trực tiếp về Công ty.

Tìm hiểu được biết, hiện xã Phiêng Khoài có hơn 50 ha trồng cây chanh leo, 100% diện tích đã cho thu hoạch quả, tập trung ở các bản: Co Mon, Hang Mon, Lao Khô I, Ten Luông, bản Ái 1, Ái 2... năng suất đạt từ 12-15 tấn quả/ha, sản lượng từ đầu năm đến nay hơn 600 tấn quả, giá bán trung bình từ 18.000-20.000 đồng/kg. Nói về việc đưa cây chanh leo vào trồng tại Phiêng Khoài, ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: Nhằm khuyến khích người dân đưa cây chanh leo vào trồng, xã đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để đưa các giống chanh leo chất lượng cao vào trồng. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo cho người dân. Với mục tiêu phát triển cây chanh leo bền vững, xã vận động người dân tham gia vào các tổ sản xuất, HTX để ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp người dân yên tâm về đầu ra đối với quả chanh leo, tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa. Hy vọng cây chanh leo sẽ là cây trồng giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Với giá trị kinh tế cao, đầu ra cho sản phẩm ổn định, thời gian tới, xã Phiêng Khoài tiếp tục mở rộng diện tích cây chanh leo, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trong xã.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới