Triển vọng từ mô hình trồng cây mắc ca

Cây mắc ca được trồng thử nghiệm tại tỉnh Sơn La từ năm 2001. Sau 16 năm triển khai, tổng diện tích cây mắc ca hiện khoảng 110 ha tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Qua theo dõi đánh giá các mô hình, cây mắc ca phát triển tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế.

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

thăm mô hình trồng cây mắc ca tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).

Mô hình trồng cây mắc ca tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh, thành phố Sơn La được trồng khảo nghiệm 1 ha năm 2003. Qua 10 năm theo dõi, nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng phát triển tốt, hằng năm, ra quả đều; năm 2016, cho thu hoạch khoảng 70-80 kg quả tươi/cây. Năm nay, các cây đồng loạt bung hoa và đậu quả sai, hứa hẹn mùa bội thu. Năm 2014, Trung tâm trồng mới 10 ha theo mô hình thâm canh giống ghép và đang xây dựng mô hình nhân giống cây mắc ca bằng phương pháp ghép cành với diện tích 5.000 m2, công suất 20.000 cây giống/năm để cung cấp giống đạt tiêu chuẩn.

Được Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012-2014 về “Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên” hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình tại huyện Mai Sơn, quy mô 39,3 ha với 75 hộ tham gia. Qua gần 5 năm triển khai mô hình, cho thấy, cây mắc ca phù hợp với đất, khí hậu của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt khi trồng làm cây che bóng cho nương cà phê; trên 60% số cây bắt đầu cho quả. Một số mô hình trồng cây mắc ca tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), phường Chiềng Sinh, xã Hua La (Thành phố), Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng (Mai Sơn) cũng ra hoa và đậu quả khá ổn định.

Thăm mô hình mắc ca xen cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Dực, bản Nà Ban, xã hát Lót (Mai Sơn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vườn cây mắc ca với 500 cây xen cà phê xanh tốt ngút tầm mắt, quả trĩu cành. Chiều cao cây trung bình từ 3,5-4 mét, không bị sâu bệnh hại. Anh Dực cho biết: Năm 2016, một số cây ra quả bói. Năm nay, 70% số cây mắc ca trồng từ năm 2012 đã ra quả. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến mắc ca đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm hạt mắc ca cho nhân dân trong vùng, nên gia đình sẽ tỉa bớt cây cà phê để cho cây mắc ca phát triển.

Với đặc điểm chịu hạn tốt, đặc biệt thời điểm rét đậm, rét hại đầu năm 2016, tất cả các vườn mắc ca trên toàn tỉnh đều không bị ảnh hưởng mà vẫn sinh trưởng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cho ra quả; gần như không bị sâu bệnh, không phải dùng thuốc trừ sâu bệnh. Cây mắc ca trồng mật độ khoảng 400 cây/ha. Cây mắc ca được trồng bằng phương pháp cây ghép sau 3 năm đã bắt đầu ra hoa, bói quả, sản lượng bình quân đạt 3 đến 4 kg quả/cây. Đối với diện tích trồng bằng cây thực sinh (cây ươm từ hạt) sau 5 đến 8 năm mới bắt đầu ra hoa và cho bói quả, sản lượng bình quân đạt 3 đến 4 kg quả/cây. Năm trước, các hộ trồng mắc ca bán giống 100 nghìn đồng/kg quả. Năm nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến mắc ca đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 30-35 nghìn đồng/kg quả. 

Tại Thông báo kết luận số 2024-TB/TU ngày 21/4/2015 của Ban Thường vụ tỉnh ủy khẳng định: Hiện nay, một số mô hình trồng cây mắc ca đã định hình (ở giai đoạn ổn định) cho sản lượng quả tương đối cao. Cây mắc ca là cây chịu được sương muối, chịu hạn, chịu đất bạc màu, ít sâu bệnh, có khả năng che tán nhiều loại cây (cà phê, cây ăn quả, cây chè...), không ảnh hưởng đến việc phát triển các cây trồng hiện có; là một loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh, từng bước tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân, tạo tiềm năng đầu tư các doanh nghiệp, có thể phát triển thành cây trồng rừng (ở đất trống, đồi núi trọc), góp phần bảo đảm việc phát triển rừng bền vững.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030, trong đó có Sơn La. Với mong muốn đồng hành cùng bà con nông dân đầu tư phát triển cây mắc ca, vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đã giới thiệu và tư vấn sản phẩm “Tín dụng mắc ca -  Nhà nhà sung túc” tại tỉnh ta với mức cho vay tối đa 80% tổng chi phí, thời gian 6-15 năm và được bảo hiểm hiệu quả trồng mắc ca. Đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là điều kiện để người dân nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để phát triển cây mắc ca cần có quy hoạch, chính sách phù hợp, giá cả hợp lý và thị trường ổn định. Đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân cùng tham gia/.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới