Triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc

Thống kê cho thấy, mỗi ngày nước ta có tới 40 trẻ sơ sinh tử vong và 2 bà mẹ cũng không thể qua khỏi. Nếu sử dụng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em hiệu quả, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em sẽ được giảm thiểu.

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và công ty Yamaha Việt Nam tổ chức Hội thảo tăng cường triển khai sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Thoa) 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ MDGs về sức khỏe bà mẹ, trẻ em như: Tử vong mẹ đã giảm ba lần; tử vong trẻ em dưới một tuổi đã giảm gần 3 lần; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 50%... Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như: Còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền (vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần vùng đồng bằng); tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm. Nghị quyết 20/NQ-TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ sáu, khóa XII và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) đã xác định các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em Việt Nam cần thực hiện vào năm 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, để hướng tới thực hiện các chỉ tiêu trên Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, can thiệp trong đó có những can thiệp, mô hình đã được chứng minh có hiệu quả Việt Nam cũng như trên thế giới như Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em có xuất xứ từ Nhật Bản.

Tại Việt Nam, được sự hỗ trợ từ JICA, từ năm 2011-2014, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở 4 tỉnh gồm: Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá, An Giang. Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được sử dụng như một công cụ để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ liên tục cho bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Y tế đã nhân rộng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành, đồng thời, ban hành quy định về sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, theo báo cáo, Vụ Sức khỏe bà mẹ -Trẻ em (Bộ Y tế) đang tích cực nghiên cứu áp dụng triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử và hướng tới sẽ tích hợp trong Hồ sơ sức khoẻ cá nhân của ngành Y tế.

Theo TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), đến nay, sổ đã được triển khai trên toàn quốc. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em như một cuốn nhật ký về sức khỏe của trẻ từ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ cho đến khi trẻ 6 tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng. Sổ cũng có phần thể hiện sự theo dõi của cơ quan y tế, đồng thời, cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tử vong sức khoẻ bà mẹ, trẻ em lớn gấp 3 lần những khu vực khác. Thống kê cho thấy, mỗi ngày Việt nam có 40 trẻ sơ sinh tử vong và 2 bà mẹ không thể qua khỏi. Nếu sử dụng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em hiệu quả, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em sẽ được giảm thiểu./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới