Triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

LTS: Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Quyết định có hiệu lực ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025 với rất nhiều điểm mới về đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ phí hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác tham mưu, triển khai để chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                 

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

           

PV: Thưa bà, quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của người nông dân?

           

Cầm Thị Phong: Nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; bảo vệ môi trường sinh thái.

           

Tuy nhiên, nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro vì sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chịu sự tác động của nhiều yếu tố như phương pháp, tập quán canh tác, vận dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật. Các rủi ro trong nông nghiệp gồm: Rủi ro con người, rủi ro về tài sản, rủi ro tài chính, rủi ro sản lượng hoặc sản xuất, rủi ro giá cả...  Do đó, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình.

Bảo hiểm nông nghiệp được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa mà điều đó phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp và sự thay đổi tư duy từ người nông dân. Tất cả nông dân tham gia bảo hiểm đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Có bảo hiểm, người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạo, mở rộng quy mô sản xuất, tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ được cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.

           

Theo Quyết định số 13, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La được bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

           

PV: Những điểm nổi bật của chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là gì, thưa bà?

           

Cầm Thị Phong: Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tưởng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp quy định, đối tượng được hỗ trợ chính sách bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: đối với cây trồng, gồm: lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, gồm trâu, bò, lợn; đối với nuôi trồng thủy sản gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra được quy định cụ thể đối với với một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

           

Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

           

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ quy định: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc HTX được thành lập theo Luật HTX. Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định. Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

           

PV: Trên địa bàn tỉnh Sơn La, những đối tượng nào sẽ được hỗ trợ? Ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai những giải pháp gì để chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống, thưa bà ?

           

Cầm Thị Phong: Theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp quy định, cây cà phê của tỉnh Sơn La nằm trong danh sách được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp là các tổ chức, cá nhân có tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp đối với cây cà phê.

           

Để đảm bảo chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đi vào thực tế, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản theo thẩm quyền liên quan đến giám sát quy trình, công bố và xác nhận thiên tai, dịch bệnh; quy trình phòng, chống rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành chính.

Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Đồng thời, tổ chức thu thập dữ liệu, thực hiện số hóa và lập chỉ mục dữ liệu đã được số hóa, chuẩn hóa cấu trúc và chuyển đổi các dữ liệu căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thành dữ liệu điện tử. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thực thi chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp./.

           

PV: Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Yến (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới