Trên đỉnh núi sương trắng Kỳ cuối: Bình yên trên bản vùng cao

Chiều muộn trên những bản vùng cao của xã Suối Tọ thật thanh bình; những mái nhà gỗ đặc trưng của dân tộc Mông đã bắt đầu phảng phất khói bếp cho bữa cơm chiều. Tiếng sáo Mông ai thổi mà nghe déo dắt, vang vọng mãi trên những đỉnh núi... “Người Mông chúng ta, sinh ra trên núi, uống nước trên núi, quanh năm sống với mây núi bồng bềnh, già trẻ, gái trai vui hội, tất cả là nhờ Đảng, Bác Hồ. Ngày xưa người Mông khổ lắm, luôn phải đi tìm đất mới để trồng trọt, sinh sống. Từ khi có Đảng chỉ lối, có Bác dẫn đường thì người Mông mới có được như ngày hôm nay, trẻ em được học cái chữ, người lớn nở nụ cười tươi, mãi nhớ ơn Đảng, Bác Hồ...”

Con đường mới được đổ bê tông về bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban (Bắc Yên).

Chúng tôi đến thăm nhà của Mùa A Tông, Mùa A Say, bản Trò, xã Suối Tọ, Phù Yên (hai đối tượng là anh em ruột trong vụ án phạm tội trốn đi nước ngoài chống chính quyền nhân dân; một người đã bị xét xử, 1 người đang bị truy nã). Bố mẹ của Tông, Say là ông Mùa A Súa, bà Vàng Thị Lia đang lúi húi cho đàn gà, đàn lợn ăn giúp vợ của Mùa A Say đi thu hoạch lúa nương chưa về. Cho lợn ăn xong, bà  Lia lại tất bật tắm rửa cho mấy đứa con của vợ chồng Say. Bà cẩn thận lau từng vết bùn đất trên khuôn mặt lấm lem của mấy đứa trẻ chơi bẩn ngoài hiên nhà như cố gắng bù đắp những tình cảm thiếu thốn của chúng khi vắng cha, mẹ. Ông Súa, bà Lia làm nghề bán hàng rong theo hội chợ vùng cao nên vắng nhà thường xuyên; bà Lia nhớ ngày thằng Say bỏ nhà đi là hôm đang bán hàng bên xã Tà Xùa, thấy con dâu gọi điện thoại bảo mấy ngày không thấy chồng về; cả nhà đi tìm thì không gặp; bẵng đi mấy năm, thấy cán bộ đến báo thằng Say bị bắt vì tội trốn ra nước ngoài; hôm tòa án xét xử, bà Lia cũng bắt xe lên thăm con trai. Bà bảo: “Ở bản vẫn có người đến thăm, giúp đỡ gia đình làm nương, ở xã thì hỗ trợ cây trồng, con gà, con lợn để nuôi; thằng Say nó ân hận lắm, nó dặn tôi ở nhà cố gắng chăm sóc mấy đứa con, phụ giúp việc cho vợ nó để chờ nó mãn hạn tù về làm ăn lương thiện”. Bà Lia ngồi nói chuyện với chúng tôi với ánh mắt đượm buồn, bà không khóc, nhưng trong giọng nói luôn nghẹn khi nói về hai đứa con trai của mình. Bà bảo thằng Say bị bắt đi tù bà còn yên tâm vì biết chỗ nó đang sống, còn thằng Tông (anh của Say) đang ở đâu bà không biết, đi tìm nhiều năm rồi, bây giờ không biết sống chết ra sao...

Sang nhà ông Vàng A Mua (bố của Vàng A Cha, Vàng A Lầu nghe theo kẻ xấu xúi giục trốn đi nước ngoài để chống phá chính quyền nhân dân). Nhà không có điện, ông Mua lụi cụi khều khều để bếp lửa cháy to rồi đi rót nước mời khách. Ông Mua sinh năm 1950, có 12 người con, trong đó có hai đứa con (Vàng A Cha, Vàng A Lầu) nghe theo kẻ xấu xúi giục trốn đi nước ngoài để chống chính quyền nhân dân nên ông buồn lắm, đau ốm vì suy nghĩ nhiều; khuôn mặt già nua, khắc khổ đầy những nếp nhăn; do có ông là người có công với cách mạng nên Vàng A Cha, Vàng A Lầu cũng được xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Ông Mua tâm sự: “Gia đình tôi cũng mới được xã hỗ trợ tiền sửa lại nhà ở; vợ chồng tôi bây giờ như cây khô trên rừng, chỉ mong hai đưa con chấp hành tốt án phạt trong tù, sớm được trở về với gia đình, chăm sóc hai vợ chồng già những năm tháng cuối đời”.

Đồng chí Thào A Trư, Chủ tịch UBND xã Suối Tọ, huyện Phù Yên cho biết: Ngoài việc nắm tình hình của bà con nhân dân, các tổ chức đoàn thể cũng xuống thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình để họ không bị mặc cảm với cộng đồng; năm 2018, người dân trong xã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo chương trình 135, 30a với tổng nguồn vốn 573 triệu đồng; sửa chữa đường liên bản từ bản Suối Dinh đi các bản Pắc Bẹ A,B,C: sửa chữa nhà ở cho 5 gia đình có công với cách mạng; chi trả trợ cấp hàng tháng cho 31 đối tượng; lập danh sách hỗ trợ tiền điện cho 434 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, hộ sinh sống ở vùng chưa có điện; phát gần 4.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân; đề xuất và đã được lắp điện lưới quốc gia cho các hộ dân ở bản Trò....

Về bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, bản có đối tượng Mùa A Kỷ (Kỷ con) bị bắt khi tham gia trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, chúng tôi cũng cảm nhận được cuộc sống yên bình đang hiện hữu ở bản vùng cao này. Ấn tượng đầu tiên là con đường về bản mới được đổ bê tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới dài hơn 10km, nối từ quốc lộ 37 vắt qua 4 quả đồi trồng cây thông để vào bản; đầu bản Pu Nhi cũng có một lớp mẫu giáo cho trẻ con trong bản đến học, lũ trẻ nô đùa, cười vui với những trò ném cù, chơi đu quay.

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bắc Yên đến thăm hỏi, động viên mẹ và anh trai

của Mùa A Kỷ ở bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban.

 

Đón chúng tôi, Bí thư chi bộ Mùa A Tráng vui mừng kể về cuộc sống đổi thay của bản, anh bảo: “Trước năm 2018, khi chưa bê tông hóa thì đường vào bản vô cùng khó khăn do đồi dốc, đến mùa mưa lũ đất bị sạt lở, gây nguy hiểm cho bà con; bản có 25 hộ, 100% hộ nghèo, nhưng cuộc sống của người dân bản Pu Nhi những năm qua ngày càng được nâng lên nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất”. Trăn trở nhất của anh Tráng đó là bản Pu Nhi là một trong số ít bản còn lại của xã Bắc Yên chưa có điện lưới quốc gia nên trong bản không nhà nào có tivi, người dân chủ yếu nắm bắt thông tin qua nghe đài phát thanh; bản cũng không có nhiều người học hết lớp 12, chủ yếu học đến lớp 3 là ở nhà đi làm nương... 

Tìm hiểu được biết, trước thời điểm năm 2015, toàn tỉnh Sơn La có 19 bản thuộc 14 xã của 7 huyện có dấu hiệu bị tác động, ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia lập “Nhà nước Mông”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền bằng đĩa VCD “Đất nước Mông - Sự thật hay bịa đặt” đến 518/693 bản, 111/149 xã, 12/12 huyện, thành phố với 47.861 lượt người tham gia; tổ chức 66 hội nghị cấp xã, 333 hội nghị cấp bản để tuyên truyền cho nhân dân hiểu và vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công an tỉnh phối hợp với huyện ủy, thành ủy tập trung rà soát, đánh giá, đẩy mạnh công tác củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phản động để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Qua đó, đã kiềm chế, làm giảm tác động, ảnh hưởng của các luận điệu tuyên truyền của các đối tượng vào địa bàn; từng bước củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo chuyển biến về mặt tư tưởng đối với các đối tượng, nhiều đối tượng đã ăn năn, hối cải và cam kết từ bỏ tham gia các hoạt động trốn đi nước ngoài để chống phá chính quyền nhân dân. Kết quả, đã có 4/19 bản, 4/14 xã và 1/7 huyện không còn thuộc diện địa bàn bị tác động, ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia lập “Nhà nước Mông”. Có thể nói, việc đấu tranh với âm mưu, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông” gắn với công tác thực hiện chuyển hóa địa bàn, phức tạp về ANTT tại xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên nói riêng và một số bản vùng cao đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra; tình hình ANTT tại địa bàn đã ổn định trở lại, các loại tội phạm về hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội được kiềm chế, đẩy lùi, người dân kiên định vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

 

Người dân bản Trò, xã Suối Tọ (Phù Yên) được hỗ trợ con giống để chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

 

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ ANTT của cấp ủy, chính quyền cơ sở có lúc chưa thực sự hiệu quả; trình độ, năng lực công tác của một số cán bộ cấp xã, bản còn hạn chế, uy tín với nhân dân thấp dẫn đến hiệu quả công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không cao; không tập hợp, lôi kéo được quần chúng tham gia các phong trào đảm bảo ANTT tại cơ sở. Đặc biệt, với đặc thù địa bàn miền núi, vùng cao biên giới, nhiều dân tộc sinh sống; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu về nhiều mặt, kinh tế chậm phát triển; trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn... chính là điểm yếu mà các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”; tuyên truyền hoạt động tôn giáo trái phép, lôi kéo di cư tự do... gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Những vấn đề đang rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lực lượng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia giải quyết, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới