Trăn trở nghề “gieo chữ trên ngàn"

Chúng tôi có dịp trở lại Mường Lạn (Sốp Cộp) trong những ngày đầu năm mới, đến với những người giáo viên đang ngày ngày cần mẫn “gieo chữ trên ngàn”. Nhiều năm qua, họ đã vượt bao con suối, qua những nẻo đường gập ghềnh, hiểm trở... để đến với những lớp học cắm bản, với mong muốn mang tri thức cho các em nhỏ vùng cao.

Lớp học cắm bản của thầy giáo Lò Văn Mui.

Ở Mường Lạn, nghề dạy học không đơn thuần chỉ là lên lớp, bởi các thầy cô không chỉ giảng dạy, trau dồi kiến thức cho học sinh, mà còn phải trèo đèo, lội suối, vận động học sinh đến trường, duy trì sỹ số lớp, rồi lo từng bữa ăn cho học sinh và cả tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ở một số bản vùng cao. Chúng tôi gặp thầy giáo Lò Văn Mui, 55 tuổi, hiện đang ở điểm trường Pu Hao của Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Lạn. Suốt quãng thời gian 37 năm công tác, dấu chân thầy đã in khắp 19 điểm trường trong xã; từng có hàng chục học sinh thi đỗ vào các bậc học cao, thành đạt ở các ngành cảnh sát, bác sỹ, nông nghiệp, bộ đội biên phòng, giáo viên... So với những vùng khác, con số này quá khiêm tốn, nhưng ở vùng cao khó khăn này thì thực sự đó là kỳ tích. Tự hào về những gì đã làm được, đã đóng góp cho sự nghiệp trồng người, song thầy giáo Mui vẫn luôn trăn trở về việc truyền đạt kiến thức cho học sinh trên vùng cao khó quá, bởi đặc thù địa phương có nhiều bản vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ bất đồng, một số phụ huynh hoàn cảnh khó khăn nên chưa coi trọng việc học của con trẻ, con đến tuổi đi học vẫn cho ở nhà để trông em hoặc lao động sản xuất phụ giúp bố, mẹ. Bởi vậy, mỗi dịp vào năm học mới, việc vận động các cháu đến lớp là cả một quá trình, giáo viên phải kiên trì bám bản, bám gia đình, một lần chưa được, thì hai lần, ba lần, thậm chí có cả chục lần đến nhà để vận động phụ huynh cho con em họ đi học.

Ở các bản vùng cao hiện nay vẫn tồn tại nhiều hủ tục, khiến học sinh chịu nhiều thiệt thòi. Đó là vấn nạn tảo hôn đang diễn ra phức tạp, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018, Mường Lạn có tới 42 cặp tảo hôn (chưa kể những cặp đủ tuổi nhưng không đăng ký kết hôn), trẻ em sinh ra không giấy khai sinh, không nhập được hộ khẩu (gần 80 học sinh mầm non, 16 học sinh tiểu học không có giấy khai sinh)... dẫn đến nhiều học sinh không được hưởng chế độ dành cho người nghèo, hay chế độ bán trú. Toàn Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Lạn có 197 học sinh ăn bán trú, nhưng trường phải bố trí thêm suất ăn cho 20 cháu thiếu giấy tờ theo quy định. Cũng theo thầy giáo Mui, chất lượng học sinh giữa các bản vùng cao so với điểm trường trung tâm chênh lệch rất lớn. Các em cũng biết đọc, biết viết nhưng không hiểu rõ nội dung bài học, nguyên nhân do ngôn ngữ bất đồng, học sinh chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Giao thông cách trở cũng khiến những giáo viên vùng cao hết sức khó khăn. Mỗi lần trời mưa, họ phải đi bộ lên điểm trường cách trung tâm hàng chục cây số đường rừng; thường xuyên phải ở lại, có khi cả tháng mới có dịp về thăm nhà. Mặt khác, cơ sở vật chất dành cho việc dạy và học cũng chưa đầy đủ, hoặc đã lỗi thời, không đảm bảo việc dạy và học. Các giáo viên ở đây đều rất mong muốn được đầu tư thêm lớp học kiên cố, sân chơi, thiết bị dạy học để chất lượng giảng dạy được nâng lên, học sinh được tiếp cận những kiến thức mới, phương pháp học mới và dễ hiểu hơn. Kiên trì bám bản, bám lớp như vậy, nhưng thầy giáo Mui vẫn canh cánh: “Các cháu rất ngoan, chăm chỉ. Nhưng tôi luôn lo lắng về chất lượng học sinh, đến giờ vẫn cảm thấy không yên tâm bởi nhiều học sinh chưa trang bị đủ kiến thức để bước vào những bậc học mới!”.

Trò chuyện với cô giáo Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phong Lan (xã Mường Lạn), chúng tôi được biết, cũng giống như ở bậc tiểu học, việc không có giấy kết hôn, không có giấy khai sinh và hộ khẩu đang là cản trở lớn trong vận động trẻ đến trường, thực hiện các chế độ bán trú và các chính sách khác. Giáo viên ở bậc học khác đã vất vả, giáo viên mầm non vất vả bội phần, bởi đường đến các điểm lẻ rất khó khăn, giáo viên mầm non lại toàn là nữ. Các bản vùng cao heo hút, cheo leo, giáo viên ở lại bản cũng bất tiện, thiếu thốn đủ thứ: Nước, điện, thực phẩm, cơ sở vật chất khác; vậy mà nhiều giáo viên tuổi cao, đang nghỉ chế độ thai sản vẫn phải tăng cường đi điểm xa. Kinh phí Nhà nước chỉ đầu tư cho xây dựng cơ sở trường học, còn lại khuôn viên, sân chơi, đồ dùng học tập... nhà trường phải tự lo. Yêu nghề, giáo viên tận dụng tất cả các loại phế liệu như chai lọ, lốp xe... để làm đồ dùng dạy học. Tạo khuôn viên, làm khu vệ sinh, khu vui chơi cho học sinh đều do anh chị em giáo viên tự làm.

Với lòng yêu trẻ, yêu nghề, những giáo viên vùng cao đã dũng cảm vượt lên mọi khó khăn, gắn bó với lớp, với bản để hoàn thành nhiệm vụ. Dù vậy, họ rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học tốt hơn để con đường “gieo mầm tri thức” của những giáo viên vùng cao Mường Lạn bớt đi những gập ghềnh, gian khó.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới