Trăn trở Chiềng On

“...Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương...” - Lời bài hát Chiều biên giới của nhạc sĩ Trần Chung tạo thêm sự háo hức trong suốt hành trình chúng tôi về Chiềng On (Yên Châu). Trong chuyến đi, chúng tôi được trải nghiệm cái nóng của nắng và gió lào, cũng như những cảm nhận về sự trăn trở thoát nghèo của người dân vùng quê biên giới này.

Anh Vì Văn Chiến, bản Nà Cài, xã Chiềng On (Yên Châu) chăm sóc cây sơn tra.

Bức tranh nghèo

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, anh Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On trăn trở: Xã còn nghèo lắm. Cuộc sống của 1.098 hộ dân ở 12 bản trong xã chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa nương. Sản phẩm nông nghiệp phần lớn là tự cung tự cấp. Theo kết quả rà soát cuối năm 2015, Chiềng On còn 83% số hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Hiện xã mới đạt 3/19 tiêu chí về nông thôn mới (quy hoạch, bưu điện và an ninh). Đến thời điểm này, xã còn 4 bản chưa có điện sinh hoạt; 4 bản khó khăn về đường giao thông, nhất là vào mùa mưa...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Chiềng On có 6.821 ha đất tự nhiên, trong đó 912 ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là đất nương đồi bạc màu, diện tích ruộng chỉ có 26 ha. Điều đáng nói là, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hạn chế; người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi cũng chưa trở thành hàng hóa. Mặc dù hiện nay ở xã có trên 2.300 con trâu, bò, 1.000 con dê, hơn 2.000 con lợn cùng hàng chục nghìn con gia cầm, nhưng mới dừng lại ở việc phục vụ sản xuất và sinh hoạt của gia đình. Đơn cử như bản Co Tôm, người dân thụ động trong phát triển kinh tế và còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi vậy, Co Tôm là bản đặc biệt khó khăn trong xã... Đó cũng là một trong những nguyên nhân Chiềng On có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tìm hướng thoát nghèo

Trở lại câu chuyện tìm hướng thoát nghèo với Bí thư Đảng ủy xã Vì Lâm Tới, anh chia sẻ: Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy phân công các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ xã phụ trách địa bàn các bản nắm bắt tình hình, cùng với chính quyền bản tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, ra nghị quyết chuyên đề chuyển một số diện tích trồng ngô, lúa nương năng suất thấp sang trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng làm hàng hóa (hiện đã trồng được 10 ha cỏ). UBND xã đề nghị với huyện tăng cường 2 cán bộ khuyến nông về xã hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình sản xuất điểm theo cách “cầm tay chỉ việc”.  Mặt khác, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã tiếp tục tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2015, hai bản Trặm Nặm và Trặm Hốc được đầu tư trồng thử nghiệm 25ha cây sơn tra và 25ha mía. Nếu hai loại cây trồng này phát triển tốt, xã tiếp tục đề nghị với huyện cho nhân rộng ở các bản. Bên cạnh đó, thực hiện thâm canh tăng vụ, năm vừa qua xã đã chỉ đạo bà con trồng thử nghiệm 25 ha cây cải dầu trên diện tích đất ruộng 1 vụ. Hiện, đang thu hoạch, sản phẩm được tư thương mua với giá bình quân 23.000 đồng/kg. Xã dự định vụ năm sau sẽ tiếp tục trồng để tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, hướng dẫn các bản tiếp tục bảo vệ tốt hơn 4.000 ha rừng; hằng năm trồng mới diện tích rừng, tạo thu nhập từ nghề rừng...

Nỗ lực vươn lên

Để hiểu thêm về sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân Chiềng On, chúng tôi về bản Nà Cài - bản giáp biên giới với nước bạn Lào. Trưởng bản Vì Văn Chiến cởi mở: Tuy cuộc sống hiện tại đang ở mức nghèo (100% số hộ thuộc diện nghèo), nhưng chúng tôi tin tưởng Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để dân thoát nghèo. Như năm 2015, bản được đầu tư trồng thử nghiệm 14,9 ha cây sơn tra - loại cây này cho thu nhập kép: Vừa thu hoạch quả, vừa tạo rừng để bảo vệ môi trường. Hiện cây sơn tra đang phát triển tốt. Mặt khác, xã cũng đang chỉ đạo bản hướng dẫn bà con vay vốn của ngân hàng để đầu tư nuôi trâu, bò nhốt chuồng làm hàng hóa; khai hoang ruộng bậc thang; đưa giống ngô lai vào thâm canh để đạt năng suất cao... Bà con rất mong Nhà nước quan tâm đưa điện lưới Quốc gia về bản để phục vụ sản xuất và đời sống. Có điện bà con sẽ mua sắm ti vi để nắm bắt thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh. Hơn nữa, qua ti vi bà con sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất áp dụng vào thực tế nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện mức sống. Anh Chiến dẫn chúng tôi đi thăm nương sơn tra của gia đình, anh nói: Cây sơn tra mới trồng được vài tháng đã phải trải qua trận mưa tuyết đợt cuối năm ngoái, nhưng vẫn phát triển tốt. Tôi còn trồng xen cây nhãn, cây xoài vào diện tích trồng sơn tra để có thêm nguồn thu.

Đến với bản Đin Chí - bản có tới 80% số hộ nghèo. Thăm gia đình anh Vàng Lao Sồng, công an viên bản. Anh tâm sự: Ở bản còn nhiều hộ nghèo là do việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Riêng gia đình tôi năm nay trồng 45 kg giống ngô lai 6919 và giống 999, trung bình 1 kg ngô giống thu từ 4,5-5 tạ ngô hạt, sản lượng đạt 20 tấn ngô hạt. Số ngô này để lại một phần chăn nuôi, còn lại tôi bán cho thương lái lấy tiền trang trải cuộc sống. Ngoài ra, gia đình còn trồng lúa nương với sản lượng 2 tấn/năm, đủ cho sinh hoạt của gia đình.

Chia tay Chiềng On, chúng tôi chia sẻ với những trăn trở của người dân vùng biên giới này và tin rằng những mô hình kinh tế mới hiệu quả sẽ sớm được nhân rộng trong toàn xã để cuộc sống người dân thoát đói nghèo.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới