Tổ quốc nơi đầu sóng Kỳ 5: DK1 - Hiên ngang giữa biển trời

Trong chuyến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa lần này, ngoài mười điểm đảo thì Nhà giàn Ba Kè (DK1/9) là điểm Nhà giàn duy nhất chúng tôi được đến thăm. Trước khi vào Nhà giàn, Đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Đứng trên tàu nhìn Nhà giàn DK1/9 nổi bật giữa biển xanh khiến tất cả những thành viên trong Đoàn công tác xúc động, bồi hồi, xao xuyến.

Nhà giàn Ba Kè.

 

DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa. 

Trung tá Bùi Xuân Bổng, Trạm Trưởng Nhà giàn DK 1/9, là người có những kỷ niệm sâu sắc nhất với Nhà giàn với quãng thời gian công tác hơn 29 năm. Anh cũng là người đã thoát nạn trong trận bão cấp 11 vào một đêm tháng 12-1998, vất vả, gian khổ nhưng anh đã không xin chuyển công tác, mà nhất quyết ở lại, bám trụ nhà giàn mấy chục năm trời. Anh tâm sự: “Trước kia, Nhà giàn được xây dựng trên những chiếc Boong Tông (xà lan) sau đó kéo ra bãi đá ngầm để đánh chìm nên chân đế không được vững chắc. Mỗi khi có sóng gió nổi lên thì bị rung lắc và xê dịch rất nhiều, có lần xê dịch hàng chục mét nguy hiểm vô cùng. Nỗi lo Nhà giàn bị đổ bất cứ lúc nào nên chúng tôi cũng phải sẵn sàng chuẩn bị lương khô, thuốc bôi chống cá mập để ứng phó. Trong trận bão cấp 11, Nhà giàn bị đổ, sóng đánh chúng tôi chìm xuống đáy san hô, rồi nhấc bổng lên. May mắn, sáu người bám được vào những mảnh gỗ, thùng phuy và được tàu cứu hộ cứu sống. Còn ba đồng đội đã hy sinh. Nghĩ lại thời gian khó ấy, tôi lại càng quyết tâm bám biển, giữ vững Nhà giàn... Khó có thể kể hết những gian nan vất vả, nguy hiểm của cán bộ chiến sĩ Nhà giàn; giữa bốn bề biển nước nhưng lại luôn thiếu nước ngọt, chúng tôi phải chia nhau từng lon nước để sinh hoạt; khi tắm thì phải tập thể dục hay vận động mạnh để cơ thể toát mồ hôi, sau đó đứng kỳ khô và chỉ dùng một gáo nước để tráng; nhưng người tắm cũng phải đứng vào chậu để hứng lại nước tắm đó để tưới rau; nước gội đầu dùng để vò quần áo; những tháng mùa khô thiếu nước ngọt thì có khi 2-3 hôm mới được tắm. Mùa biển động, thiếu rau xanh phải dùng rau khô để nấu canh.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Nhà giàn được sửa chữa và xây dựng lại nhiều. Nhà giàn hiện nay có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Có 6 chân cắm sâu xuống đáy san hô và có chân kiềng vững chãi. Trước đây, mỗi khi có sóng gió cấp 9, nhà giàn thế hệ cũ có hiện tượng rung lắc, nay với nhà giàn mới, sóng gió cấp 10, cấp 11 vẫn không ảnh hưởng gì. Các phòng trên nhà giàn có kết cấu liên hoàn, thoáng mát. Mỗi nhà giàn còn có hàng trăm tấm pin năng lượng mặt trời, đủ cấp điện cho huấn luyện, sinh hoạt liên tục 3-5 ngày trong điều kiện mưa bão, không có ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, vào những ngày thời tiết xấu, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn vẫn có đủ điện để nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem tivi, mọi sinh hoạt, huấn luyện diễn ra bình thường.

Tại các Nhà giàn, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng, cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ nên phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài như thế nên khi gặp những người đồng hương ở đất liền ra thăm thì họ mừng lắm. Thượng úy Đỗ Văn Tập, quê ở Hải Hậu, Nam Định mừng quýnh khi được các đại biểu Đoàn Nam Định hỏi thăm, động viên. Anh Tập tâm sự: Tôi có vợ đang làm công nhân và hai con ở quê nhà. Khoảng 8 đến 10 tháng, chúng tôi được nghỉ phép 1 lần, mỗi đợt phép được nghỉ hai tháng. Tuy nhớ nhà, xa đất liền nhưng anh em luôn xác định rõ tư tưởng, mỗi Nhà giàn là một cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, luôn phải đề cao cảnh giác, rèn luyện để sẵn sàng canh gác, chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Với truyền thống “Kiên cường, dũng cảm - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết, kỷ luật - Giữ vững chủ quyền”, nhiều năm qua, Nhà giàn DK 1/9 cùng với các Nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DK1 và các lực lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ vững chắc Nhà giàn và chủ quyền biển đảo, thềm lục địa được giao. Bên cạnh đó, đơn vị còn luôn làm tốt công tác dân vận và bảo vệ an ninh thông qua các hoạt động tuyên truyền cho các tàu cá của ngư dân. Nhà giàn cũng đã cấp hàng chục nghìn lít nước ngọt, hỗ trợ thực phẩm cho tàu cá, khám và cấp thuốc cho các ngư dân, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân ra khai thác hải sản ở khu vực. Giữa muôn trùng sóng gió của biển khơi với bao khó khăn, vất vả, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính hải quân trên các Nhà giàn đã và đang vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan, yêu đời và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

  (Còn nữa)

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới