Tìm đầu ra ổn định cho khoai sọ Hua Păng

Về xã Hua Păng (Mộc Châu) những ngày này, dọc tuyến đường xuống xã thấy rất nhiều hộ dân bày bán khoai sọ địa phương hai ven đường. Tìm hiểu được biết, những năm gần đây, bà con nông dân đã chuyển sang trồng khoai sọ làm hàng hóa, thu nhập cao hơn hẳn một số loại cây trồng truyền thống khác, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm khoai sọ vẫn đang là trăn trở của cấp ủy, chính quyền và chính người dân.

 

Người dân xã Hua Păng (Mộc Châu) bày bán khoai sọ ven đường. 

Giống khoai sọ bà con ở đây trồng chủ yếu là khoai sọ chân voi và khoai sọ địa phương, giống khoai sọ của đồng bào dân tộc Dao, ruột vàng hoặc trắng, có vị thơm, dẻo, ngon, được nhiều người ưa chuộng. Trước đây, người dân xã Hua Păng chỉ trồng khoai sọ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, nhưng bởi là cây trồng có giá trị kinh tế, nên từ năm 2016, bà con đã mở rộng diện tích, phát triển khoai sọ địa phương thành hàng hóa. Vụ sản xuất vừa qua, Hua Păng trồng 7 ha khoai sọ, năng suất ước đạt 3,5 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở 3 bản Suối Ngõa, Km16, Suối Ba. Nhiều hộ gia đình thu nhập từ 40-60 triệu đồng/vụ, như gia đình các ông Bàn Văn Vinh, Bàn Văn Thân (bản Suối Ba)...

Giống khoai sọ địa phương ở Hua Păng phù hợp trồng trên đất đồi dốc, năng suất khá cao, lại không mất quá nhiều công chăm sóc. Do là giống khoai sọ địa phương, nên bà con nông dân canh tác theo lối truyền thống, chủ yếu làm đất tơi xốp trước khi trồng, chỉ sử dụng phân chuồng, tro bếp rắc lên củ giống trước khi trồng và lên gốc sau khu cây đã mọc để chống rệp; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để sản phẩm đảm bảo chất lượng, thơm ngon và có độ dẻo đặc trưng, mà sử dụng. Sau mỗi vụ, bà con lại tự chọn giống để trồng vụ tiếp theo. Không mất nhiều thời gian chăm sóc, không cần đầu tư giống, phân bón, lại là loại nông sản đặc trưng vùng miền, nên đây là loại cây trồng được người dân chú trọng phát triển.

Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm khoai sọ ở Hua Păng đang gặp khó khăn. Vào vụ thu hoạch, cũng đã có thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua, nhưng chủ yếu vẫn là các gia đình tự mang đi bán đổ ở các chợ và trung tâm huyện. Bởi vậy, giá bán rất không ổn định, thường thì đầu vụ có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng đến giữa vụ, khi có nhiều gia đình thu hoạch, số lượng khoai nhiều lên, giá bán chỉ còn được từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Bên cạnh việc chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thì việc canh tác theo lối truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản..., ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bà Triệu Thị Tuyết, bản Km 16, mang khoai sọ của nhà ra ven đường bán, phân trần: Hằng ngày, ngồi bán lẻ cho khách qua đường, chỉ được 10.000 đồng/kg, mà vẫn ít khách mua, mỗi hôm mang ra đây khoảng 10kg mà mãi mới bán hết. Còn ông Bàn Chung Thủy, Trưởng bản Suối Ba thì bảo: Cả bản trồng 3,5 ha khoai sọ, sản lượng khoảng trên 12 tấn. So với cây ngô thì cây khoai sọ đem lại thu nhập cao hơn, nhưng vì không có thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc vào thương lái nên thường bị ép giá, bà con mang tâm lý “vừa làm vừa sợ” không dám mở rộng diện tích, tập trung, chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ. Bà con rất mong có đơn vị, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, có thị trường ổn định để yên tâm phát triển giống khoai sọ địa phương này.

Trao đổi với ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hua Păng, được biết thêm, tìm đầu ra cho sản phẩm khoai sọ của bà con rất khó khăn, chưa có HTX hay doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm. Xã đã có kế hoạch phối hợp, liên kết với các HTX nông sản trong và ngoài xã để tìm thị trường tiêu thụ ổn định; khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng khoai sọ. Bên cạnh đó, chỉ đạo Hội nông dân xã, cán bộ khuyến nông xã, phối hợp tuyên truyền hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.

Không chỉ cấp ủy, chính quyền xã Hua Păng, mà rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chuyên môn của huyện, hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm, để khoai sọ Hua Păng trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và phát triển sản phẩm nông sản sạch địa phương.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới