Thường xuyên, liên tục, quyết liệt phòng, chống tham nhũng

Từ năm 2003, Liên hiệp quốc đã quyết định chọn ngày 9/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng (International Anti-Corruption Day), bởi ý thức rõ hiểm họa khôn lường của tham nhũng, khẳng định chỉ có đoàn kết, chung tay của mọi quốc gia, dân tộc trên toàn cầu mới phòng, chống thành công.

Giọng khơi khơi, ông trung niên nói như triết gia:

- Không thuần túy mà Liên hợp quốc kêu gọi các chú nhé! vì tham nhũng, hối lộ và các vấn đề liên quan đã trở thành vấn nạn toàn cầu chứ không còn là mối nguy của một địa phương, một quốc gia, hay một khu vực nữa đâu. Ảnh hưởng của nạn tham nhũng, hối lộ đe dọa nghiêm trọng mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội; làm méo mó tính minh bạch, văn hóa quản lý, điều hành; tha hóa đội ngũ cán bộ; làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền; gây thiệt hại con người, vật chất, tiền bạc của Nhà nước; cản trở phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; lũng đoạn hệ thống tài chính ngân hàng, tiền tệ, y tế, công thương, xăng dầu, sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội...

Dáng điệu ung dung, bác da ngăm ngăm tự tin:

- Cũng chính bởi vậy, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết lãnh đạo chỉ đạo công tác này. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về chống tham nhũng một cách khoa học, minh bạch; chủ động tiếp nhận, đối thoại, giải quyết phản ánh, kiến nghị, bức xúc của người dân, đơn vị, doanh nghiệp. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, nên chúng ta đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện và hiện thực hóa quyền công dân để họ chủ động lựa chọn cách ứng xử phù hợp trong đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả. Không chỉ vậy, Đảng, Nhà nước còn công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, nhằm định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của cơ quan công quyền, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức. 

Lúc này anh chàng nhỏ thó mới nhấn thêm:

- Không thể cứ nói phòng chống chung chung các bác nhỉ? Phải kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập; lắng nghe phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, công dân, thông qua dấu hiệu làm giàu không chính đáng, hành vi đáng ngờ trong thu nhập, sinh hoạt. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vì đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tình hình thực tế địa phương, cơ sở. Đồng thời, bảo đảm tuân thủ những giá trị, chuẩn mực, liêm chính trong hoạt động công vụ; kịp thời tiếp thu ý kiến công dân, cơ quan, tổ chức và bố trí xử lý, giải quyết triệt để. Thêm nữa, khuyến khích và bảo vệ những nhân tố dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh quyết liệt với tham nhũng, tiêu cực. 

Suy nghĩ một hồi, ông trung niên thủng thẳng:

- Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” đối với các loại “lợi ích nhóm”, “biệt phủ”, “quan tham”, “bổ nhiệm thần tốc”... nhằm góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng. Thế nên, ngoài tuyên truyền, giáo dục, phải thường xuyên hướng dẫn phương pháp xử lý những hành vi, việc làm có khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tuyên dương, động viên kịp thời những điển hình chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hỗ trợ tài chính, trao phần thưởng, tạo các cơ hội phát triển. Cùng với đó, tổ chức giám sát, phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng; phát huy vai trò phản biện xã hội, chủ động nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định, đề xuất, kiến nghị của tổ chức và công dân, tạo dư luận mạnh mẽ đối với tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, trục lợi; khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật dễ gây tiêu cực, tham nhũng.

  Nguyễn Quang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới