Thường xuyên kiểm tra phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng, xen kẽ là những ngày nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa mùa phát triển; trong đó, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu, rầy lưng trắng... có chiều hướng phát sinh và lây lan trên diện rộng, làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng lúa vụ mùa đang giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sâu bệnh hại lúa mùa tại xã Thôm Mòn.

Chúng tôi cùng các cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu khảo sát diện tích lúa mùa tại xã Thôm Mòn, Chiềng Ly, Chiềng Pấc, phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn... Theo quan sát trên cùng một cánh đồng, có những thửa ruộng lúa xanh tốt, xen đó còn có một số thửa ruộng bị sâu bệnh gây cháy lá với mật độ rầy nâu và rầy lưng trắng cao.

Ông Nguyễn Hồng Tráng, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu, nói: Trạm đã phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết sâu bệnh hại lúa mùa và cách sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ. Tuy nhiên, một số hộ dân chưa thực hiện triệt để việc thăm đồng và sử dụng thuốc BVTV kịp thời, dẫn đến lúa bị cháy lá, ảnh hưởng tới năng suất và nguy cơ sâu bệnh lan sang các thửa ruộng bên cạnh.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La, hiện nay nhóm sâu hại lúa mùa gồm: Sâu cuốn lá nhỏ mật độ phổ biến 2,9 con/m², cao 35 con/m², diện tích nhiễm 11 ha tại các huyện: Mai Sơn, Vân Hồ, Yên Châu. Rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại lúa trên diện rộng tại 12 huyện, thành phố: Mật độ phổ biến 125 con/m², cao 830 con/m², diện tích nhiễm 9 ha tại huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Sâu đục thân: Tỷ lệ hại phổ biến 0,5% dảnh, cao 5% dảnh, cá biệt 30% dảnh, diện tích nhiễm 44,3 ha; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ - trung bình 43,7 ha, nặng 0,6 ha tại huyện Sốp Cộp. Nhóm bệnh hại gồm có: Bệnh đạo ôn tỷ lệ hại phổ biến 2,1% lá, cao 20% lá, cá biệt 50% lá với diện tích nhiễm 44,7 ha; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ - trung bình 38,7 ha, nặng 6 ha tại các huyện: Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Thuận Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp và thành phố Sơn La. Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Tỷ lệ hại phổ biến 0,6 % lá, cao 16% lá, diện tích nhiễm 127,5 ha tại huyện Thuận Châu và Yên Châu.

Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, cho biết: Để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ sản xuất lúa vụ mùa 2021, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chi cục đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Mộc Châu chủ động phân công cán bộ, phối hợp với UBND các xã điều tra, theo dõi quá trình phát sinh, phát triển sinh vật hại lúa vụ mùa năm 2021, hướng dẫn cơ sở áp dụng biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Hiện nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thường xuyên cử cán bộ theo dõi, kiểm tra kết quả sau phòng, chống sinh vật hại lúa vụ mùa, tránh tái nhiễm và bùng phát ra diện rộng. Đối với những ruộng lúa đang bị nhiễm sâu, bệnh hại hướng dẫn người dân ngừng ngay việc bón phân đạm hoặc phân bón qua lá, những ruộng bị hại nặng có thể tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 khoảng 5-7 ngày. Chủ động áp dụng biện pháp phòng, chống sinh vật hại lúa triệt để, sau khi cây lúa phục hồi mới bón phân. Đồng thời, tăng cường điều tra bổ sung, mở rộng và dự tính, dự báo sâu bệnh hại lúa kịp thời; phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, thành phố tuyên truyền phương pháp nhận biết sâu bệnh hại chính, hướng dẫn biện pháp phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng lúa vụ mùa.

Đặc biệt, đối với huyện Phù Yên có diện tích lúa mùa lớn, trong lúc người dân thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với tổ công tác của Trung đoàn 754 xuống cơ sở giúp dân phun thuốc BVTV diệt trừ sâu bệnh hại, bảo vệ diện tích lúa mùa.

Hiện nay, cây lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng, để bảo đảm lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, người dân cần tích cực thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện phun thuốc BVTV theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới