Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân ở cơ sở xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là: Tăng cường hoạt động tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân theo quy định; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đẩy mạnh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình, bảo đảm thực chất, hiệu quả…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu kiện kéo dài cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân; tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần thông tin tuyên truyền trực tiếp để giải đáp vướng mắc cho người dân. Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể. Trong đó, cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu, bởi thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…/.