Thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh

Cách đây 70 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động Ngân hàng Việt Nam.

Tháng 9/1952, Đại lý Ngân hàng Sơn La được thành lập, chỉ có 6 cán bộ, nhưng thực hiện tốt nhiệm vụ thu hồi tiền địch ở những vùng mới giải phóng, phát hành tiền Ngân hàng, cấp phát chi tiêu cho các đơn vị quân đội, phục vụ kịp thời chiến dịch Nà Sản và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; cho vay vận tiêu, tổ chức lưu thông hàng hóa, cho vay vùng mới giải phóng để nhân dân có tiền mua trâu cày, nông cụ, khôi phục và phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống.

Phiên giao dịch tại BIDV chi nhánh Sơn La.

Ảnh: Nguyễn Yến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngân hàng Sơn La chuyển sang hoạt động thời chiến, bảo vệ an toàn tài sản, kho tàng, tiền bạc và con người; tiếp tục phục vụ nhu cầu vốn tín dụng, tiền mặt, tiền lương trong khu vực quân đội và tổ chức kinh tế quốc doanh ở nơi sơ tán.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Ngân hàng Sơn La đã mở rộng hoạt động tín dụng xây dựng cơ bản, đầu tư cho nhiều hạng mục công trình nhằm tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Toàn ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý theo cơ chế mới, coi tín dụng vốn lưu động là mặt trận phía trước, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn hàng đầu, chuyển mọi hoạt động ngân hàng sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước (từ năm 1986), hoạt động ngân hàng được đổi mới, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chính thức quyết định đổi mới hệ thống ngân hàng từ một cấp trở thành hệ thống ngân hàng hai cấp. Hệ thống Ngân hàng Sơn La chính thức bao gồm: Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng; các ngân hàng chuyên doanh, thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, vàng, bạc đá quý.

Mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng được mở rộng, đến nay, toàn tỉnh đã có 564 điểm giao dịch về hoạt động ngân hàng. Trong đó, 19 chi nhánh/đơn vị cấp I; 10 chi nhánh cấp II; 51 phòng giao dịch, 8 quỹ tín dụng nhân dân, 1 tổ chức tài chính vi mô, 61 máy ATM, 6 máy ATM đa chức năng (CDM), 214 điểm chấp nhận thẻ (POS), 192 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; 2 xe ô tô giao dịch lưu động. Toàn ngành có 1.246 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hệ thống Ngân hàng Sơn La đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng hệ thống Ngân hàng Việt Nam vững mạnh. Tổng huy động vốn năm 1986 mới đạt 233 triệu đồng, dư nợ cho vay đạt 1,4 tỷ đồng.

Đến hết 31/3/2021, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 24.156 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 41.864 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,7% tổng dư nợ. Vốn tín dụng đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Giai đoạn 2010-2020, hệ thống Ngân hàng Sơn La đảm bảo an ninh tiền tệ; tăng cường kết nối và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hoạt động an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng quan tâm, đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các trường học, trạm y tế, nhà đại đoàn kết, nhà cho cựu chiến binh nghèo, hỗ trợ xe cứu thương, xây dựng nhà bếp ăn bán trú cho học sinh; giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ khắc phục thiên tai bão lũ...

Đại hội TDTT ngành Ngân hàng tỉnh Sơn La lần thứ XIV năm 2021.

Ảnh: PV

Phát huy những thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngân hàng Sơn La tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn. Trong đó, quản lý các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Thống đốc NHNN trong việc triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tăng cường kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trịnh Công Văn

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới