Thuận Châu trước Ngày hội chè và các sản phẩm nông sản

Từ ngày 5 đến ngày 7/10/2018, tại trung tâm xã Phổng Lái (Thuận Châu) sẽ diễn ra Ngày hội Chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Công tác chuẩn bị đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện chuẩn bị chu đáo; người dân, các hợp tác xã đang hy vọng đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

 

Cánh đồng chè của Công ty TNHH Trà Thu Đan, nơi sẽ diễn ra phần thi hái chè.

Đồng chí Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Nội dung quan trọng trong Ngày hội là Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”. Đây là hai sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, đang được huyện tập trung tuyên truyền, vận động các xã trong vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP; thành lập các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, kinh doanh chè, khoai sọ; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn, về khoa học kỹ thuật, kiểm định chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Được biết, cây khoai sọ được trồng từ lâu, phù hợp với khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng nên có giá trị dinh dưỡng cao và rất ngon. Theo Quyết định số 10/2002/QĐ-BNN, ngày 17/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trao đổi quốc tế tài nguyên di truyền thực vật, thì khoai Thuận Châu đã được đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam, cần phải được giữ gìn và phát triển. Diện tích khoai sọ và sản lượng thu hoạch, nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày được mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Thuận Châu có tổng diện tích canh tác khoai sọ 120 ha, trong đó tập trung tại các xã: Nậm Lầu (60 ha), Chiềng Ly (18 ha) và một số xã như Muổi Nọi, Chiềng Bôm, Co Mạ; năng suất bình quân 12 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 1.440 tấn/năm.

Cây chè được trồng ở huyện Thuận Châu từ những năm 1959, với giống chè Shan tuyết, chủ yếu ở khu vực xã Phổng Lái, dưới chân đèo Pha Đin, ở độ cao 800 mét so với mực nước biển. Do thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến, nên sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt so với chè của các địa phương khác: Nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng. Đến nay, huyện có 1.073 ha chè, cung cấp ra thị trường trên 6.000 tấn/năm, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Pháp. Trong 9 tháng đầu năm, sản phẩm chè Phổng Lái đã xuất sang thị trường Đài Loan hơn 850 tấn.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa những người nông dân sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện, Ngày hội sẽ có phần trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện gồm nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại sản phẩm chè, khoai sọ và các sản phẩm tiêu biểu của huyện, như: Sơn tra, nhãn chín muộn, chanh leo, sa nhân, sâm đương quy, mật ong Sơn La; các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, giống cây trồng, vật tư và máy nông nghiệp tiêu biểu của địa phương...; trình diễn pha chè, cách thưởng thức và giới thiệu tác dụng của chè với sự tham gia của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chương trình nghệ thuật Ngày hội chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu; tái hiện quá trình hình thành và phát triển vùng chè…

Đồng chí Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái cho biết: Các hoạt động của Ngày hội sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa những người nông dân với các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tin tưởng Ngày hội Chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” sẽ được tổ chức thành công, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Thuận Châu; tạo không khí phấn khởi, hăng hái thi đua lao động để phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới