Thuận Châu triển khai hiệu quả các dự án giảm nghèo

Dự án giảm nghèo giai đoạn II được triển khai trên địa bàn 196 bản, thuộc 10 xã của huyện Thuận Châu, trong đó 6 xã vùng cao và 4 xã vùng thấp. Qua 8 năm thực hiện, với nhiều cách làm hiệu quả đã góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng cơ sở, hỗ trợ cải thiện sinh kế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân xã Long Hẹ (Thuận Châu) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Với nhiều cách làm tích cực, quyết liệt, cùng sự ủng hộ của các cấp, các ngành, Dự án giảm nghèo giai đoạn II trên địa bàn huyện Thuận Châu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ năm 2010 đến nay, Dự án được triển khai gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực và truyền thông, ngân sách phát triển xã, phát triển kinh tế huyện, quản lý dự án - giám sát đánh giá, xây dựng các công trình công cộng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thông qua các hợp phần đã xây dựng kế hoạch hoạt động, Dự án đã thực hiện liên kết đối tác sản xuất, xây dựng các nhóm sở thích, góp phần đáng kể giúp người dân khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận tư duy làm kinh tế mới, nâng cao mức sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường năng lực lãnh đạo của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.

Điểm nhấn trong thực hiện tiểu hợp phần về cải thiện cơ sở hạ tầng thôn, bản đã thu được nhiều kết quả, các tiểu dự án xây lắp chủ yếu được người dân các xã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, giảm thời gian đi lại, cải thiện môi trường sinh hoạt cho người dân, việc thực hiện các hoạt động này luôn được Ban QLDA huyện, Ban phụ trách các xã quan tâm xin ý kiến người dân trước, trong và sau khi đầu tư để kịp thời khắc phục và rút kinh nghiệm, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả, giải quyết được nhu cầu bức thiết của bà con trong sinh hoạt và sản xuất. Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện, ngay sau khi được giao kế hoạch, Ban QLDA huyện đôn đốc các xã triển khai ngay công tác lựa chọn tư vấn khảo sát thiết kế, lựa chọn tư vấn tiềm năng có kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia từ những năm trước, bên cạnh đó Ban QLDA huyện giao cho các cán bộ kỹ thuật của Ban hỗ trợ kiểm tra trước khi trình thẩm định, qua đó khắc phục được tối đa các sai sót. Kết quả, đã đầu tư 73 công trình đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật đã hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó cải thiện hạ tầng sinh hoạt và sản xuất với hơn 65 km đường, gần 30 ha mương, phai được gia cố bảo vệ, 11 công trình nước sinh hoạt, gần 50 m cầu, cống bê tông kiên cố và 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, nâng số hộ hưởng lợi lên 20.027 hộ. Hiện nay, 73 công trình vẫn hoạt động tốt, một số do mưa lũ bị hư hỏng nhẹ nhưng đã được vận hành và bảo trì, phát huy hiệu quả đúng theo thiết kế ban đầu. Điển hình cho sự đồng thuận của nhân dân khi tham gia tiểu hợp phần về cải thiện cơ sở hạ tầng thôn là công trình làm đường giao thông từ đường 108 đến bản Co Nghè A, xã Co Mạ (Thuận Châu), muốn hoàn thiện con đường sẽ làm ảnh hưởng đến 1.145 m² đất sản xuất của người dân. Được tuyên truyền, vận động về mức độ cần thiết của công trình, toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng trên đã được người dân không yêu cầu đền bù và tự nguyện hiến tặng đất để làm dự án. Bên cạnh đó, từ năm 2011 trở lại đây, với sự đầu tư từ nguồn vốn của dự án, huyện Thuận Châu đã triển khai 28 công trình nước sạch, đã nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Nguồn nước sạch được dẫn về tận hộ, tiện lợi cho sinh hoạt của bà con và góp phần phòng tránh dịch bệnh.

Trong thực hiện đa dạng hóa các cơ hội liên kết thị trường, hỗ trợ sáng kiến kinh doanh, hỗ trợ sinh kế và dịch vụ sản xuất, Dự án giảm nghèo giai đoạn II đã thực hiện sinh kế theo hình thức nhóm sở thích và người dân được tự thực hiện, qua đó nâng cao tính tự chủ, độc lập, hạch toán kinh tế và cân nhắc các phương án sản xuất phù hợp. Hơn 50% số nhóm sau khi kết thúc chu kỳ sản xuất đầu tiên đã chuyển sang chu kỳ thứ 2, thứ 3… qua đó cho thấy được tính hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con, tạo môi trường phát triển kinh tế đa dạng và cạnh tranh, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng dự án. Qua đánh giá, tổng số 616 nhóm thì có 597 nhóm đóng góp quỹ để hoạt động, 337/616 nhóm có thu nhập cao, 100% nhóm đều có gia tăng tài sản so với ban đầu, mức tăng tài sản bình quân là 200 triệu đồng/nhóm/chu kỳ sản xuất, có 321 nhóm bán sản phẩm từ quá trình sản xuất chăn nuôi, thu nhập trung bình đến thời điểm hiện tại đạt 400 triệu đồng/nhóm.

Thông qua các hoạt động của dự án, đặc biệt là các hoạt động sinh kế góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo 10 xã trong vùng dự án, cụ thể: Theo tiêu chí hộ nghèo cũ năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo từ 62,4% xuống còn 39% năm 2015 (giảm 23,4%), theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giảm từ 69,2% năm 2016 xuống còn 64,7% năm 2017 (giảm 4,5%), qua đó cho thấy đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Sau khi Dự án kết thúc vào ngày 30/6/2018, để phát huy những thành quả của dự án thì trên cơ sở các nội dung các nhóm được tập huấn về quản lý nhóm, kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ ban đầu từ dự án, huyện Thuận Châu tiếp tục vận động các nhóm thực hiện tốt nội dung quy chế của nhóm đã đề ra và hỗ trợ các thành viên khác phát triển trong quá trình chăn nuôi. Còn việc nhân rộng nhóm có một số nhóm hiện nay đã phát triển lên thành tổ hợp tác, một số nhóm nữa phối hợp với Ban phát triển xã vận động các thành viên nhóm kết nạp các thành viên mới vào để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất để thoát nghèo bền vững. Có thể thấy, dự án giảm nghèo là động lực tiếp tục thúc đẩy các xã nghèo phát triển để nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới