Thuận Châu làm theo lời Bác

Thuận Châu - nơi cách đây 53 năm Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; nơi có khu căn cứ du kích Long Hẹ.

Vòng xòe đoàn kết tại Lễ kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Thuận Châu được tổ chức ngày 7-5-2009.

 

Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc Thuận Châu luôn phát huy truyền thống yêu nước một lòng theo Đảng, Bác Hồ, đoàn kết xây dựng huyện ngày càng phát triển.

 

Những năm qua, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thuận Châu đã xác định rõ những vấn đề cần tập trung đổi mới. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình kinh tế, hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao tiềm lực kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng, củng cố quan hệ sản suất mới, từng bước hỗ trợ nông dân tiếp cận với kinh tế thị trường, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, hình thành 3 vùng phát triển kinh tế, gồm: vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 6, vùng cao và vùng dọc sông Đà. Trong đó, chủ yếu là vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 6, tập trung sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản; sản xuất vật liệu xây dựng... Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển khá toàn diện, khai thác triệt để lợi thế của các xã vùng cao để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; triển khai tốt các chính sách của tỉnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc, sản phẩm chăn nuôi hằng năm đạt gần 3.000 tấn thịt hơi các loại. Vùng dọc sông Đà, nhân dân đã tận dụng tiềm năng và điều kiện đất đai, khí hậu, lao động kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, kích thích sản xuất hàng hóa, mở rộng dịch vụ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

 

Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, tổng giá trị gia tăng đạt trên 2.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng kinh tế bình quân 13,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người gần 10 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 210 tỷ đồng, tăng 15,4%/năm. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực, đúng hướng phù hợp với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, thu hút được nhiều dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, trong đó tập trung ưu tiên các bản đặc biệt khó khăn và vùng di dân TĐC thủy điện Sơn La. Đến nay, hầu hết các xã có công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường lớp học kiên cố; 100% số xã có đường ô tô, 85% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, gần 100% dân số được nghe đài, xem truyền hình. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, góp phần quan trọng làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 38% năm 2006 xuống dưới 30% năm 2011 và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Một điểm quan trọng trong phát triển kinh tế, từ năm 2008 đến nay thực hiện chủ trương phát triên cây cao su, huyện đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch và tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất trống, đồi trọc sang trồng cây cao su. Sau hơn 4 năm, toàn huyện đã trồng gần 1.600 ha cao su, 1.130 người được nhận vào làm công nhân Công ty cổ phần cao su Sơn La và tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người dân địa phương.

 

Với những thành quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu có quyền tự hào với bước phát triển vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

 

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới