“Thư viện xanh”, gần gũi, thân thiện với học sinh

Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình “Thư viện xanh” tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty (Sông Mã) đã hình thành thói quen đọc sách, báo, giúp học sinh bổ sung kiến thức, giải trí lành mạnh, giảm căng thẳng sau giờ học trên lớp, yêu thích đến trường.

 

 

Một góc Thư viện xanh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty (Sông Mã).

 

Ý tưởng xây dựng mô hình “Thư viện xanh” của nhà trường được thực hiện từ năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên, lúc này nhà trường mới có phòng thư viện chỉ để chứa sách, diện tích khoảng 40 m² chưa có chỗ cho học sinh ngồi đọc sách. Với lợi thế sân rộng, có nhiều cây xanh, nhà trường đã huy động nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, đóng góp của phụ huynh, nhân dân và cán bộ, giáo viên để thiết kế mở rộng không gian thư viện mở với diện tích gần 200 m², đa số sử dụng vật liệu tái chế, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 3/2017.

 

Tại thư viện xanh, các tủ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn ở các vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho các em tìm đọc sách; khu vực đọc sách có mái che mưa, nắng. Toàn bộ khuôn viên thư viện ngoài trời được trồng các loại hoa, cây cảnh; dưới tán cây đặt các bộ bàn ghế xi măng được sơn màu bắt mắt. Hằng năm, nhà trường mua bổ sung và vận động quyên góp để tăng cường số lượng đầu sách cho thư viện. Hiện nay, thư viện nhà trường có hơn 500 đầu sách, bao gồm: Sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh, truyện thiếu nhi, sách đạo đức và pháp luật... đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, giải trí của giáo viên và học sinh.

 

Thầy giáo Lò Văn Binh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 45 lớp học, với hơn 1.100 học sinh. Phát huy hiệu quả của mô hình thư viện xanh, mỗi tuần nhà trường tổ chức 1 buổi hoạt động ngoài trời để học sinh tham gia vào hoạt động tập thể, trong đó, có đọc sách, đọc truyện tại thư viện xanh. Ngoài ra, trong mỗi lớp học đều có thư viện góc lớp với sách, truyện được thay đổi luân phiên theo tuần để đảm bảo cho việc tìm hiểu, đọc sách của giáo viên, học sinh. Trong giờ chào cờ, nhà trường tổ chức giới thiệu sách cho học sinh với nội dung “Mỗi tuần một cuốn sách”. Vào mỗi giờ ra chơi, ngay trên sân trường, các em không thích các trò chơi vận động có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ. Hết giờ ra chơi, các em lại tự giác đem sách xếp trả lại vị trí cũ. Cách làm của nhà trường đã nhận được sự đồng tình từ phụ huynh và tạo được niềm vui, sự yêu thích của học sinh, hình thành cho các em thói quen đọc sách.

 

Hằng tuần, nhân viên thư viện của nhà trường đều tiến hành luân chuyển, cập nhật sách, truyện mới, số lượng học sinh tham gia đọc sách vì thế ngày càng đông. Em Chá Ngọc Phương, học sinh lớp 5A, vui vẻ nói: Giờ ra chơi, em tranh thủ đọc sách tham khảo, truyện thiếu nhi các loại. Thư viện xanh gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, giúp chúng em bổ sung kiến thức.

 

Đánh giá về mô hình “Thư viện xanh” của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty, ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, cho biết: Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty nằm trên địa bàn xã vùng 3, nhưng đây là một trong những điển hình khắc phục khó khăn vươn lên xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất. Mô hình thư viện xanh của nhà trường là một trong những mô hình thư viện tiêu biểu, hiệu quả và đang được triển khai nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn huyện Sông Mã. Mô hình đã cụ thể hóa việc đổi mới giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới