Thu nhập cao từ trồng dâu tây

Là loại cây mới được đưa vào trồng ở địa phương, cây dâu tây đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu nhập cao.

 

Thành viên HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) chăm sóc vườn dâu tây. 

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, bản Xuân Quế, xã Cò Nòi là một trong những hộ đầu tiên đưa cây dâu tây về trồng ở địa phương. Anh Nam nhớ lại: Trước đây, người dân ở bản chủ yếu trồng ngô, mía và nuôi lợn. Thời điểm ngô xuống giá, lợn bị dịch bệnh, hàng trăm hộ dân trong bản điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần. Đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế mới, qua thông tin trên báo đài, trồng cây dâu tây cho thu nhập cao, nên đã mua giống về trồng thử vài trăm gốc. Vừa học, vừa làm, vụ đầu tiên thành công, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống tưới tự động và mở rộng diện tích lên 5.000 m², đến cuối vụ thu được 200 triệu đồng.

 

Từ thành công của gia đình anh Nam, các hộ dân trong vùng cũng làm theo. Năm 2017, anh Nam vận động các hộ gia đình thành lập HTX dâu tây Xuân Quế với 12 thành viên, hiện đã mở rộng lên 10 ha, trong đó có 5 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 5 ha sản xuất hữu cơ.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn dâu tây đang vào vụ thu hoạch, anh Nam cho biết: Mấy năm đầu, chúng tôi chủ yếu bán lẻ tại chợ cho người dân chứ chưa nghĩ đến việc vào siêu thị. Bước ngoặt cho quả dâu tây của HTX là từ năm 2018, sau nhiều lần tổ chức cho các thành viên HTX đi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, triển khai các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và nhà lưới rộng 4.000 m² phục vụ nhân giống; kiểm soát các khâu làm đất, sử dụng phân bón, thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất. Chúng tôi đã lựa chọn được giống dâu tây phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở đây để nhân giống. Đến nay, toàn bộ 10 ha dâu tây của HTX đều sử dụng giống Hana Nhật, quả to, ngọt, mọng nước, chất lượng tương đồng với dâu tây trồng ở Mộc Châu, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm với siêu thị BigC tại Hà Nội.

 

 

Thành viên HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) chăm sóc vườn dâu tây.

 

Theo anh Nam, trung bình, 1 ha dâu tây cho thu khoảng 8 tấn, giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu 1 tỷ đồng. Tháng 12 năm 2020, HTX đã liên kết với 4 HTX trên địa bàn tỉnh thành lập Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La để tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng mở rộng thị trường. Ngoài ra, các thành viên HTX chủ động quảng bá, tiếp cận các đối tượng khách hàng khác nhau thông qua mạng xã hội. Từ năm 2018 đến nay, nhiều vườn dâu của các thành viên HTX đã trở thành điểm du lịch kết hợp hái quả dâu tây, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan trải nghiệm.

 

Ngoài HTX dâu tây Xuân Quế, trên địa bàn xã Cò Nòi hiện có 3 HTX là: HTX Tân Thảo, HTX Huổi Dương và HTX Tân Quỳnh trồng trên 30 ha dâu tây, ngoài ra còn có hàng trăm hộ dân trồng diện tích nhỏ lẻ từ vài trăm, đến 1.000 m². Ông Lừ Văn Thiện, Bí thư chi bộ bản Nong Quỳnh, cho biết: Trước đây, thu nhập của người dân trong bản chủ yếu từ trồng mía, ngô, nhưng mấy năm gần đây được cán bộ khuyến nông xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã chuyển đổi sang trồng, ghép cải tạo cây ăn quả, đặc biệt là cây dâu tây, mang lại thu nhập cao. Hiện, cả bản có 12 ha cây ăn quả, trong đó có 2 ha cây dâu tây. Như gia đình tôi năm 2019 bắt đầu trồng 1.000 m² cây dâu tây và thu về trên 100 triệu đồng. Vụ dâu tây năm nay, gia đình tôi đã mở rộng lên 3.000 m², mỗi ngày gia đình tôi thu từ 15-20 kg quả dâu tây tươi và bán được 10-20 chậu cây dâu tây cảnh. Dự tính năm 2020, gia đình tôi sẽ thu gần 300 triệu đồng từ trồng cây dâu tây.

 

Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, thông tin: Qua một số năm trồng thử nghiệm, đến nay cây dâu tây đã được đưa vào sản xuất thành vùng chuyên canh trên địa bàn và thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh về cây dâu tây và hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thành thương hiệu dâu tây của xã. Đồng thời, sẽ tuyên truyền, hướng dẫn bà con chế biến các sản phẩm khác từ quả dâu tây như: Rượu, mứt và kẹo để đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập. 

 

Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với canh tác cây trồng truyền thống, song trồng cây dâu tây đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Điều đó, cũng đã tác động tích cực làm thay đổi tư duy sản xuất của nhiều nông dân địa phương, tiếp cận với cách làm nông nghiệp công nghệ cao, để sản xuất hiệu quả hơn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới