Thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Thuận Châu có trên 50.800 ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá lớn. Để từng bước giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tránh tác hại, huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; đồng thời, triển khai xây dựng bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giảm thiểu tình trạng vứt bao bì thuốc bừa bãi ra ngoài môi trường.

Bể chứa bao gói thuốc BVTV tại bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu.

Từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế huyện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện đã xây dựng được 508 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (BVTV) tại 24 xã, thị trấn. Các bể chứa được bố trí thuận tiện bên lề đường giao thông, xa nguồn nước, mỗi bể có dung tích 1m³, có nắp đậy, bảo đảm nước mưa không ngấm hoặc chảy vào bể. Sau sử dụng, người dân đưa vỏ bao bì thuốc BVTV vào bể, sau đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ thu gom, vận chuyển mang đi tiêu hủy theo quy định. Trong năm 2021, toàn huyện thu gom hơn 1,9 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng (chai nhựa, bình phun thuốc trừ sâu, gói nilon).

Bà Lường Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, thông tin: UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, ban quản lý các bản tuyên truyền về tác hại của việc vứt vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ra môi trường; các bản đưa vào quy ước, hương ước và tổ chức cho người dân ký cam kết tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV; chuyển dần sang sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thảo dược ít độc hại… Đồng thời, quản lý, sử dụng hiệu quả 16 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, hạn chế lượng thuốc tồn dư ra môi trường.

Tại xã Tông Lạnh, việc xây dựng bể chứa vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của người dân. Xã có 15 bản, 3 thôn; 100% thôn, bản được bố trí bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV (2 bể/bản). Ông Lù Văn Lê, bản Trai Chanh, chia sẻ: Trước đây chưa có bể, chúng tôi thường tiện đâu vứt đấy, như trên đồng ruộng, gần khu vực có nguồn nước, nơi pha chế thuốc. Bây giờ, sau khi pha chế thuốc, chúng tôi đều bỏ vỏ bao vào bể. Việc này đã trở thành thói quen của mỗi người.

Theo quy định tại Thông tư liên bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, cứ 3 ha đất canh tác cây hàng năm, 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm phải có 1 bể chứa. Như vậy, số lượng bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện còn thiếu khá nhiều. Toàn huyện còn 5 xã: Phổng Lăng, Chiềng Pấc, Bản Lầm, Nong Lay, Chiềng Bôm, chưa có bể chứa; 6 xã vùng cao được bố trí kinh phí xây dựng bể chứa, nhưng do nhận thức của bà con còn hạn chế, nên việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng không đảm bảo theo quy định. 

Để việc thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng đạt hiệu quả, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu gom theo quy định của pháp luật… Đối với các xã chưa có bể chứa, huyện khuyến cáo sử dụng bao ni lông bọc kỹ, thu gom về một mối và đào hố chôn tạm thời. Về lâu dài, huyện sẽ cân đối kinh phí hỗ trợ xây mới các bể chứa đúng quy cách. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn thu gom vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới