“Thổi hồn” bản sắc văn hóa các dân tộc vào chương trình nghệ thuật

Tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh, trong nước và quốc tế. Các buổi biểu diễn luôn thu hút đông đảo khán giả; được lãnh đạo các cấp, các ngành và công chúng đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nội dung và hình thức thể hiện, đặc biệt là đứng đầu Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2018... đó là những kết quả nổi bật của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh trong thời gian qua, thể hiện tầm cỡ của một đơn vị nghệ thuật mạnh trong khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và trong cả nước nói chung.

Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh

biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đảo Trường Sa.  

      Ảnh: Cao Hải (CTV)

Thưởng thức các tiết mục, chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tại những sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế cũng như của tỉnh, các huyện, thành phố, hẳn khán giả có cảm nhận chung đó là sự chuyên nghiệp, chất lượng, hấp dẫn người xem. Các chương trình đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, đa sắc màu từ các tác phẩm dòng nhạc thính phòng đến các tác phẩm mang âm hưởng dân gian truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh biểu diễn các tác phẩm đã đi cùng năm tháng, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh thường xuyên cho ra mắt những tác phẩm mới, dễ đi vào lòng người, được khán giả đón nhận.

Trên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên say sưa biểu diễn như thả hồn vào điệu múa, lời ca, tiếng nhạc, trong những tràng pháo tay giòn giã của các đại biểu, khán giả. Nhưng ít ai biết được, đằng sau ánh đèn sân khấu, là những vất vả, lao tâm, miệt mài luyện thanh của khối diễn viên ca, lặp đi lặp lại từng động tác của khối diễn viên múa sao cho thành thục, chính xác, uyển chuyển; là những trăn trở, đau đáu tìm tòi trong sáng tác từng ca từ, nốt nhạc, giai điệu cho các tác phẩm âm nhạc, hay từng động tác, chuyển động, tạo hình cho các tác phẩm múa...

Trò chuyện với nhạc sĩ, NSƯT Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, chúng tôi thêm hiểu và thật sự chia sẻ với những khó khăn tại Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La hiện nay. Chỉ tiêu biên chế cho khối diễn viên ở các bộ phận chuyên môn hát - múa và nhạc là quá ít. Đơn vị hiện chỉ có 33 diễn viên, tiếp tục giảm do thực hiện chủ trương chung về tinh giảm biên chế theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương, của tỉnh. Với cơ số diễn viên được giao hiện nay rất khó đáp ứng được yêu cầu để tổ chức xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật; nhiều vị trí việc làm đặc thù trong khối biểu diễn và phục vụ biểu diễn còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều; có lúc không đáp ứng được về số lượng để xây dựng các chương trình nghệ thuật, phải thuê thêm diễn viên không chuyên, thậm trí huy động cả văn nghệ quần chúng. Cơ sở vật chất nhà làm việc, nhà tập, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa đồng bộ, có thiết bị chưa chuẩn, nhất là về thiết bị ánh sáng và âm thanh phục vụ ngoài trời...

Khắc phục khó khăn, với lòng say mê nghệ thuật, yêu nghề, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh tích cực xây dựng mới và chỉnh lý nâng cao các chương trình, tiết mục mới; xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên đề; tổ chức biểu diễn nhiều chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ cơ sở; tham gia các hội thi, liên hoan khu vực, toàn quốc và quốc tế. Năm 2018, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh sáng tác mới 13 tác phẩm thuộc các thể loại (6 ca khúc, 2 hòa tấu nhạc cụ dân tộc, 3 tác phẩm múa độc lập, 2 màn hát múa); chỉnh lý nâng cao 58 tác phẩm (phối khí, biên đạo, dàn dựng làm mới các tác phẩm cũ); biên tập, đạo diễn, dàn dựng 39 chương trình nghệ thuật để biểu diễn phục vụ các sự kiện trong tỉnh, ngoài tỉnh; tổ chức biểu diễn 128 buổi, gồm: 60 buổi biểu diễn phục vụ cơ sở  đạt, 68 buổi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Xây dựng chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và các chương trình nghệ thuật chuyên đề lớn để biểu diễn phục vụ các sự kiện tiêu biểu, như: Tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật “Sắc màu Việt” chào mừng các đoàn đại biểu do Chủ tịch Nghị viện và Chủ tịch Quốc hội của 27 quốc gia thành viên ở các châu lục tham gia tại Hội nghị Liên minh Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) do Việt Nam đăng cai. Xây dựng chương trình nghệ thuật “Sơn La - Miền quê huyền thoại” chào mừng Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Sơn La tại Hà Nội năm 2018. Tham gia chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” biểu diễn trong sự kiện Những ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) và thủ đô Amsterdam (Hà Lan). Xây dựng chương trình nghệ thuật “Sơn La, Hủa Phăn - Bản tình ca hữu nghị” chào mừng Khai mạc Những ngày Văn hóa - Du lịch Sơn La và Hủa Phăn năm 2018. Xây dựng chương trình nghệ thuật “Dòng sông - Đời người” đứng đầu Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2018, với 4 Huy chương Vàng cho chương trình và các tiết mục, 3 Huy chương Bạc cho các tiết mục, 7 giải cá nhân xuất sắc. Biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa... phục vụ trên 150 nghìn lượt người xem. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định tên tuổi trong giới nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước, giành được các giải thưởng cao quý, được công chúng mến mộ, như: Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Hồng Thu giành giải Đạo diễn xuất sắc; Nhạc sĩ xuất sắc Mạnh Tiến; Họa sĩ xuất sắc Hà Huy Mười; Nhạc sĩ trẻ tài năng Minh Đức; Biên đạo trẻ tài năng Thanh Hằng; diễn viên Hà Tứ Thiên và diễn viên múa Vũ Miên đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1  năm 2018.

Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, chia sẻ: Trong sáng tác, biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh luôn chú trọng khai thác, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa đặc sắc các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, tạo bản sắc riêng. Nổi bật là Chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2018 với chủ đề “Dòng sông - Đời người”, tập trung khai thác, phản ánh, tôn vinh các giá trị văn hóa đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng sông nước Đà Giang xưa... nay đã là lòng hồ mênh mông với những công trình thủy điện sừng sững nguy nga, nhịp sống và cuộc đời mới đầy tươi sáng. Lần đầu tiên, đơn vị đã mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ phương pháp nghệ thuật, sưu tầm, cải tiến, chế tác để dàn nhạc sử dụng toàn bộ nhạc cụ của các dân tộc tỉnh Sơn La - vùng Tây Bắc, mà không dùng bất cứ nhạc cụ điện tử, nhạc cụ phương tây nào; đổi mới về format chương trình, tránh khuôn mẫu cũ cả về thủ pháp đạo diễn dàn dựng và hình thức biểu diễn.

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của công chúng khán giả về hưởng thụ nghệ thuật, những yêu cầu thực tế đặt ra đối với hoạt động sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước, Nhà hát Ca múa nhạc tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm củng cố đội ngũ diễn viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất; không ngừng đổi mới trong sáng tạo, biểu diễn các tác phẩm ca - múa - nhạc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây bắc nói chung, với chất lượng nghệ thuật cao, hình thức và nội dung phong phú; phản ánh sâu rộng mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của nhân dân các dân tộc. Đồng thời, gìn giữ và phát huy, quảng bá nét đẹp văn hóa đồng bào các dân tộc Sơn La nói riêng và Tây Bắc, Việt Nam nói chung với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới