Thêm những cơ hội mới khi nâng cấp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập

Ngày 22/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP quyết nghị nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) thành cửa khẩu quốc tế, đã mở ra cơ hội mới cho Sơn La phát triển trong thời gian tới.

 

 

Đoàn công tác liên ngành của các Bộ, ngành Trung ương làm việc với UBND tỉnh Sơn La về cho chủ trương nâng cấp Cửa khẩu chính Lóng Sập.

Ảnh: PV

 

Vị trí hội tụ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa

 

Chỉ ít lâu sau khi đất nước tiến hành đổi mới, hội nhập với thế giới, một trong những nhiệm vụ đầu tiên đó là khai thông các cửa khẩu giữa Việt Nam và những nước láng giềng. Trong bối cảnh ấy, cửa khẩu Pa Háng (nay là cửa khẩu Lóng Sập) được thành lập ngày 1/3/1990 theo Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Lào năm 1990. Đối diện là cửa khẩu Pa Háng thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).

 

Cửa khẩu Lóng Sập cách Thủ đô Hà Nội 210 km, cách thành phố Sơn La 150 km. Khoảng cách từ đây đến thị xã Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) chỉ có 105 km. Cửa khẩu này cũng cách thủ đô Viêng Chăn và các cửa khẩu quốc tế của Lào khoảng 600 đến 800 km. Đó là khoảng cách khá lý tưởng để kết nối, thông thương giữa các quốc gia. Đặc biệt, hệ thống giao thông có quốc lộ 43, nối từ cửa khẩu Lóng Sập đến quốc lộ 6, đã có chủ trương nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi. Theo định hướng đến năm 2030, tuyến đường này sẽ nâng cấp đạt chuẩn cấp IV miền núi. Đặc biệt khi kết nối với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu hoàn thành, sẽ rút ngắn khoảng cách với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng rất thuận lợi.

 

Về phía nước bạn Lào, hiện nay quốc lộ 6B nối từ cửa khẩu Pa Háng đến trung tâm huyện Sốp Bâu, dài 29 km, đã được cải tạo, nâng cấp xong. Quốc lộ 6A từ Sốp Bâu (Hủa Phăn) kết nối với các tỉnh Bắc Lào và đi đến các cửa khẩu quốc tế giữa Lào với Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar đã được nước bạn đầu tư xây dựng cơ bản và thông suốt, bảo đảm đủ điều kiện phục vụ cho hoạt động của cửa khẩu quốc tế.

 

 

Lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp với Hải Quan kiểm tra xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu). 

Ảnh: PV

 

Điều quan trọng nhất, đó là, những năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Lào đang có bước tăng trưởng khả quan. Dù có quy mô khá nhỏ, song lại nằm giữa 3 thị trường sôi động là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam; do đó, Lào là thị trường đệm để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập tốt hơn sang Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Thứ hai, Sơn La được đánh giá là điểm kết nối của các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nước ngọt. Ngoài ra, nhu cầu giao thương hàng hóa khu vực này rất lớn, không chỉ giữa các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào mà còn mở rộng sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar. Đây cũng là điểm phù hợp với chính sách hợp tác Việt Nam - Lào và chính sách phát triển kinh tế biên giới vùng Tây Bắc Tổ quốc. Thứ ba, khu vực này có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ mà các tổ chức phản động, buôn bán hàng quốc cấm thường xuyên qua lại, nên việc kiểm soát ra vào khu vực này có ý nghĩa chính trị quan trọng. Cuối cùng, việc nâng cấp cửa khẩu này lên tầm quốc tế cũng là việc thực hiện hóa những cam kết giữa Chính phủ hai nước, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Lào, đáp ứng nguyện vọng từ lâu của nhân dân hai bên biên giới.

 

Cần khẩn trương triển khai trong thực tế

 

Những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, song hoạt động qua lại của người dân và giao thương hàng hóa giữa hai bên khu vực cửa khẩu Lóng Sập tăng nhanh từng năm. Năm 2015 lưu lượng xuất cảnh của Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu này đạt 7.560 lượt người, trên 2.770 lượt ô tô; nhập cảnh 7.870 lượt người và trên 2.400 lượt ô tô. Đến năm 2019, số người xuất cảnh đã lên trên 10.300 lượt người (tăng 37%) và 3.527 lượt ô tô (tăng 27,3%); số người nhập cảnh có tỷ lệ tăng mạnh hơn 67%, với trên 13.100 lượt người, tỷ lệ phương tiện ô tô nhập cảnh cũng tăng tới 49,6%.

 

 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phối hợp với dân quân xã tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới.

Ảnh: PV

 

Hiện nay, 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (Lào) đang có gần 50 doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapo hoạt động; như vậy, lượng người lao động có nhu cầu qua lại cũng đang tăng nhanh hằng năm. Ngoài ra, hai tỉnh này có di tích cách mạng Viêng Xay và Cố đô Luông Pha Bang, là những điểm đang thu hút lượng du khách lớn, nên nhu cầu du lịch đến khu vực này cũng rất cao.

 

Một chỉ dấu cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế thông qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập rất lớn. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt trên 2,1 triệu USD, tăng 717% so với năm 2015. Dự kiến chỉ sau 3 năm đầu nâng cấp cửa khẩu, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ duy trì ở mức từ 25 đến 35% và tiếp tục phát triển “bùng nổ” sau giai đoạn năm 2030.

 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu nâng vị thế của Sơn la trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Sơn La đang tập trung tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế cửa khẩu. Việc nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập thành cửa khẩu quốc tế tạo điều kiện phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và tiểu vùng Tây Bắc.

 

Để sớm thực hiện Nghị quyết số 182/NQ-CP của Chính phủ, Sơn La cần chủ động, khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn tất các công việc cần thiết theo quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền để phối hợp với phía Lào tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu Lóng Sập (tỉnh Sơn La) - Pa Háng (tỉnh Hủa Phăn). Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch chi tiết đảm bảo cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập hiện đại, đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường và có tầm nhìn lâu dài. Trước mắt, cần tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng những công trình, hạng mục đã lạc hậu, xuống cấp. Hằng năm, cân đối kinh phí để sớm đầu tư xây dựng Quốc môn, Nhà kiểm soát liên hợp làm thủ tục xuất nhập; khu vực kiểm dịch y tế, động, thực vật; sân nghi lễ, khu vực kiểm tra, giám sát phương tiện, hàng hóa xuất, nhập; kho bãi, khu dịch vụ... Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, dân cư đến làm ăn, sinh sống, tạo thành khu kinh tế cửa khẩu nhộn nhịp, nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới. Đặc biệt, có phương án đề phòng những thách thức không nhỏ từ việc các thế lực thù địch sẽ lợi dụng gây phức tạp khu vực biên giới; đầu tư nhân lực, phương tiện đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hoạt động của tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại...

 

Nền kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là có độ mở lớn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được 15 nước thành viên thông qua tháng 11/2020 và những thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Việt Nam ngày càng chứng tỏ là một trung tâm của ASEAN và khu vực Đông Á. Phát triển kinh tế cửa khẩu, cũng như tăng cường giao lưu, thông thương với các nền kinh tế khu vực, thực chất cũng là cách củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh quốc gia, bảo vệ đất nước từ xa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập, trong tương lai sẽ vinh dự đóng góp vào những mục tiêu tốt đẹp đó của đất nước.

Trường Chinh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới