Thế giới tuần qua: Thương chiến Mỹ-Trung "hạ nhiệt"

Trong tuần qua (7-13/10) đã diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, chi phối những “vấn đề nóng” trên thế giới, từ tình hình chiến sự tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thương chiến Mỹ-Trung, cho tới việc công bố giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp trong những lĩnh vực quan trọng của đời sống con người…

Mỹ, Trung tiến tới giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
tới tham dự đàm phán, ngày 11/10. (Ảnh: Jose Luis Magana/AP)

Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán cấp cao diễn ra hai ngày tại thủ đô Washington DC, tạo tiền đề cho việc ký kết một thỏa thuận toàn diện giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Tổng thống D.Trump cho biết, Mỹ sẽ trì hoãn việc thực thi chính sách tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/10 tới. Hai bên đang tiến tới rất gần một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại và sẽ cần khoảng 5 tuần nữa để có được một thỏa thuận bằng văn bản.

Cũng trong ngày 11/10, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc khẳng định, nước này và Mỹ đã đạt được “tiến bộ quan trọng” trong nhiều lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái, các dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, giải quyết bất đồng và chuyển giao công nghệ. Mỹ và Trung Quốc cũng thảo luận về kế hoạch tổ chức các vòng tham vấn mới trong tương lai, đồng thời nhất trí cùng nỗ lực để hướng tới việc đạt được bản thỏa thuận cuối cùng.

Đây là kết quả đạt được sau vòng đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc vừa diễn ra trong hai ngày (10-11/10) giữa phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu cùng các nhà đàm phán Mỹ gồm: Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Những dấu hiệu lạc quan về những tiến bộ đạt được trong hai ngày đàm phán vừa qua đã phần nào giúp “hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng” gia tăng kể từ sau khi đàm phán bị đổ vỡ cách đây vài tháng, cùng với việc Mỹ cáo buộc các nhà đàm phán Trung Quốc từ bỏ các thỏa thuận đạt được trước đó.

Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tại Syria

Khói bốc lên từ Ras al-Ain ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ngày 9/10. (Ảnh: AFP)


Đêm 9/10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố quân đội nước này đã phát động các chiến dịch tấn công trên bộ có tên gọi “Mùa xuân Hòa bình” nhằm vào các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Trước đó, cũng trong ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở màn một chiến dịch quân sự bằng các vụ bắn pháo nhằm đẩy lùi lực lượng người Kurd khỏi các khu vực gần biên giới nước này vì một số lý do an ninh.

Ngay lập tức, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại trước hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí Mỹ còn xem đây là một “ý tưởng tồi tệ”. Ngày 12/10, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều nước châu Âu để phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria. Chính phủ các quốc gia như Đức và Pháp cũng có biện pháp cụ thể phản ứng trước hành động quân sự của Ankara.

Trước bối cảnh chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Bắc Syria đang gây nhiều người thương vong và khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán, Liên hợp quốc đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho vùng Đông Bắc Syria. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, đến ngày 12/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ một đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc trung gian hòa giải giữa Ankara với Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) nhằm ngừng cuộc tấn công của nước này vào Syria.

 Giải thưởng Nobel: Vinh danh những cống hiến cho nhân loại

Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố. Mùa giải năm nay bắt đầu với việc trao giải thưởng Nobel Y học vào ngày 7/10 và sẽ kết thúc với giải Nobel Kinh tế vào ngày 14/10.  

Ba nhà khoa học Kaelin, Ratcliffe và Semenza đã phát hiện ra cơ chế tế bào quy định hoạt động
của các gene phản ứng lại các mức độ oxy khác nhau. (Ảnh: New York Times)

* Vào lúc 16h30 ngày 7/10 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y học năm 2019 thuộc về 3 nhà khoa học William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza do khám phá của họ về cách thức các tế bào cảm thụ và thích ứng với môi trường oxygen có sẵn. Những khám trên đã mở đường cho những liệu pháp hứa hẹn nhằm chống lại bệnh thiếu máu, ung thư và nhiều bệnh khác.

* Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển lúc 16 giờ 55, ngày 8/10 (giờ Hà Nội) đã công bố giải Nobel Vật lý năm 2019 thuộc về các nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz. Ba nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ khoản tiền thưởng trị giá hơn 900.000 USD cho hai công trình nghiên cứu được đánh giá là "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ".

*  Thông báo của Ủy ban Nobel ngày 9/10 cho biết, giải Nobel Hóa học 2019 đã được trao cho 3 nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino “vì sự phát triển của pin lithium-ion”. Đây có thể được xem là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.


*  Viện hàn lâm Thụy Điển ngày 10/10 đã công bố hai giải Nobel Văn học cho năm 2018 và năm 2019. Nhà văn, nhà thơ người Ba Lan Olga Tokarczuk đoạt giải Nobel Văn học 2018 được vinh danh vì "lối viết giàu sức tưởng tượng, một cảm xúc rộng khắp như cách vượt qua mọi ranh giới, coi đó như một cách/lối sống". Trong khi đó, nhà văn người áo Peter Handke được trao giải Nobel Văn học 2019 "vì một tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người".

 

*  Ngày 11/10, Ủy ban Nobel Nauy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2019 dành cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali “vì những nỗ lực để giành được hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt vì sáng kiến kiên định của ông nhằm giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea”.

Nga cảnh báo về một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới


Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III được phóng thử từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California, Mỹ,
ngày 2/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN


Nga đang theo dõi sát sao tất cả các động thái của Mỹ phát triển các hệ thống vũ khí mới và Moscow rất lo ngại về một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.

Đó là thông điệp của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/10, khi bình luận về tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về dự án chế tạo "vũ khí mới chưa từng có."

Đại diện Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ không tham gia chạy đua vì đã có sẵn kế hoạch tạo ưu thế vượt trội trước nhiều năm về công nghệ để bảo đảm an ninh quốc gia cũng như vị thế ngang hàng (về vũ khí).

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng chính những nghiên cứu chế tạo tên lửa tầm trung cùng với các vi phạm là nguyên nhân khiến Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) bị phá vỡ, đe dọa an ninh quốc tế.

Triều Tiên: Việc tiếp tục duy trì đàm phán phụ thuộc vào Mỹ


Trưởng đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong-gil trả lời báo giới tại Bắc Kinh, ngày 7/10.
(Ảnh: Yonhap)


Ngày 7/10, trưởng đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố việc nước này và Mỹ có tổ chức thêm các vòng đàm phán về phi hạt nhân trong tương lai hay không là điều phụ thuộc vào Mỹ.


“Khả năng diễn ra các vòng đối thoại tiếp theo phụ thuộc vào phía Mỹ…Hãy hỏi Mỹ về việc liệu đối thoại có được tiếp tục hay không…Nếu phía Mỹ chưa sẵn sàng, ai biết rằng điều tồi tệ gì có thể xảy ra” – đại diện ngoại giao Triều Tiên nói.


Phát biểu trên được ông Kim Myong-gil đưa ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trong lộ trình trở về Triều Tiên sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên giữa ông với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun tại Stockholm (Thụy Điển) hôm 5/10 đổ vỡ.


Cuộc gặp tại Stockholm đánh dấu sự nối lại các nỗ lực đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sau nhiều tháng bế tắc kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019.

 

Giá "vàng đen" tăng sau vụ nổ tàu chở dầu của Iran gần cảng Saudi Arabia


Tàu chở dầu Sabiti của Iran - Ảnh: Sky News


Hãng tin Nour của Iran ngày 11/10 cho biết các thủy thủ trên tàu chở dầu Iran đều an toàn sau khi con tàu này bị nổ gần thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia sáng cùng ngày.

Trước đó, hãng thông tấn ISNA cho biết vụ nổ xảy ra trên con tàu thuộc sở hữu của Công ty Dầu khí quốc gia Iran, khi tàu đang ở vị trí cách Jeddah khoảng 60 hải lý (gần 100 km). ISNA dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết vụ việc đã gây thiệt hại nặng nề và dầu đã tràn ra Biển Đỏ. ISNA cũng dẫn nhận định của giới chuyên gia trên tàu không loại trừ khả năng đây là một "vụ tấn công khủng bố". Truyền thông nhà nước Iran sau đó xác nhận con tàu chở dầu đã bốc cháy sau khi các quả tên lửa trúng vào 2 bồn dầu trên tàu, làm tràn dầu ra biển.

Hãng tin Reuters cho biết tên con tàu chở dầu bị tấn công là Sabiti.

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh lên cao sau một loạt vụ tấn công và bắt giữ các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz, cũng như vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở miền Đông Saudi Arabia.

Ngay cả khi nguyên nhân dẫn tới sự cố đối với con tàu chở dầu Sabiti vẫn chưa được xác định cụ thể, giá dầu thế giới ngay lập tức đã tăng hơn 2% ngay sau khi thông tin được phát đi. Giá dầu thô Brent đã tăng 2,4% (tăng 1,39 USD/thùng), đạt 60,49USD/thùng, đây cũng là mức tăng giá cao nhất theo ngày kể từ 16/9, ngày giao dịch đầu tiên sau khi xảy ra các loạt tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới