Thế giới tuần qua: Nhiều tin nóng về nước Mỹ

Một phần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức, Triều Tiên cảnh báo tiến trình phi hạt nhân hóa có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn, số nhà báo bị sát hại gia tăng đáng lo ngại..., là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Một phần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Rạng sáng 22/12 (giờ địa phương), một phần Chính phủ Mỹ chính thức ngừng hoạt động vì Quốc hội nước này không thể thông qua một dự luật chi tiêu cho chính phủ trước hạn chót 21/12.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ đêm 21/12/2018. Ảnh: AFP 

Ngoại trừ 3/4 chương trình hoạt động của chính phủ liên bang vốn đã được duyệt chi phí cho tới ngày 30/9 năm sau thì 1/4 chương trình hoạt động còn lại bị gián đoạn từ 0h sáng 22/12 vì không có ngân quỹ. Hoạt động của các bộ và cơ quan trong chính phủ trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chịu tác động. Các công viên liên bang phải đóng cửa và hơn 400.000 nhân viên trong các cơ quan chịu ảnh hưởng sẽ làm việc mà không nhận được lương trong khi 380.000 nhân viên khác phải nghỉ việc không lương cho tới khi vấn đề được tháo gỡ.

Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần đã gây ra những quan ngại sâu sắc. Không chỉ lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng chịu tác động mạnh. Thị trường chứng khoán phố Wall trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong một thập kỷ khi tin tức về nguy cơ chính phủ đóng cửa khiến ngày giao dịch ngày 21/12 khép lại với sắc đỏ rực bao trùm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức

Ngày 20/12, Tổng thống Donald Trump thông báo ông James Mattis sẽ rời khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào cuối tháng 2/2019 và người kế nhiệm sẽ sớm được công bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa đệ đơn xin từ chức. (Ảnh: NHK)

Trong thông điệp đăng tải trên trang cá nhân, ngày 20/12, Tổng thống D.Trump đã ghi nhận những cống hiến của ông Mattis trong khoảng thời gian 2 năm nắm giữ vị trí là người đứng đầu Lầu Năm góc, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán vũ khí chiến đấu mới.

Hiện Tổng thống D.Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được cho là có quan điểm bất đồng liên quan tới việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thành lập lực lượng vũ trụ trong quân đội Mỹ. Việc ông D.Trump liên tục đưa ra một loạt quyết sách bất chấp sự phản đối của ông Mattis cũng được xem là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trở nên căng thẳng.

Kể từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, Tổng thống D.Trump đã thực hiện một số thay đổi về nhân sự. Việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức được dự báo là sẽ tác động cơ bản đến các chính sách an ninh của Mỹ.

Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người đồng nhiệm Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên, ngày 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump để thảo luận về mối quan hệ song phương cùng nhiều vấn đề quốc tế khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo

thường niên tại thủ đô Moscow, ngày 20/12. (Ảnh: Xinhua)

Tổng thống Putin cho biết, cá nhân ông không thể chắc chắn về việc có diễn ra một cuộc gặp gỡ giữa ông và người đồng nhiệm Mỹ D.Trump hay không. Tuy nhiên, ông luôn sẵn sàng và tin rằng, có rất nhiều vấn đề mà ông và ông D.Trump cần cùng nhau thảo luận.

Cụ thể, ông Putin cho biết, ông và Tổng thống D.Trump cần thảo luận về các mối quan hệ song phương, cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Afghanistan, vấn đề an ninh toàn cầu, kiểm soát vũ khí và nhiều vấn đề khác trên thế giới.

Sau một năm 2017 đầy biến cố, năm 2018, băng giá trong mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn chưa tan. Trong đó, việc Tổng thống Mỹ D.Trump cách đây ít lâu tuyên bố về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã gây nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước. Những tranh cãi xung quanh vụ lực lượng hành pháp Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine trên eo biển Kerch vào tháng 11/2018 đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ D.Trump hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng nhiệm Nga Putin dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. 

Mỹ - Trung sẽ sớm nối lại đàm phán thương mại

Các đại diện Mỹ và Trung Quốc đang lên kế hoạch gặp gỡ vào tháng 1/2019 để thảo luận về một thỏa thuận "đình chiến thương mại" ở phạm vi rộng hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, kể từ giờ cho tới thời điểm các vòng đàm phán thương mại được nối lại, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không tiến hành thêm bất cứ cuộc gặp gỡ trực tiếp nào.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Ảnh: NHK)

Đó là thông tin được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn bàn tròn tại Văn phòng của hãng tin Bloomberg tại Washington. Ông Mnuchin cho biết, trong vài tuần trở lại đây, các đại diện Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc điện đàm và vẫn đang lên kế hoạch tổ chức các vòng thảo luận chính thức tiếp theo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết, hiện hai bên đang tập trung nỗ lực để có thể đưa ra một bản thỏa thuận trước thời hạn kết thúc thỏa thuận đình chiến thương mại vào ngày 1/3/2019.

Triều Tiên cảnh báo tiến trình phi hạt nhân hóa có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn

Triều Tiên vừa cảnh báo việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các quan chức cấp cao của nước này có nguy cơ sẽ khiến mối quan hệ giữa hai nước quay lại trạng thái đối đầu và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị ngưng trệ vĩnh viễn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump
tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: Breitbart)

Đó là thông điệp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải ngày 16/12.

Thông điệp này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi chính phủ Mỹ, ngày 10/12 đã đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên Choe Ryong Hae và 2 quan chức cấp cao khác của Triều Tiên với các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Các lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm mọi hoạt động giao dịch tài chính, ngân hàng và đóng băng tài khoản của các quan chức này có liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ. 

Ngày 18/12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân được hoàn tất.

Liên minh châu Âu công bố kế hoạch “dự phòng khẩn cấp” về Brexit

Kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) mà không có một thỏa thuận nào được thông qua - nếu trở thành sự thật, sẽ tạo ra những thách thức mới trong tương lai, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp dịch vụ mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Anh.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis. (Ảnh: AFP via Getty images)

Đây là lời cảnh báo do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ngày 19/12 khi vạch ra những kế hoạch “dự phòng khẩn cấp” trong trường hợp Brexit trở thành hiện thực mà không có thỏa thuận nào được thông qua. 

Dự báo trên của EC không phải là không có căn cứ khi chỉ còn 100 ngày nữa sẽ tới thời hạn chót để Brexit phát huy hiệu lực mà cả London lẫn Brussels đều “chưa đạt đủ sự thống nhất” cần thiết, chưa kể tới việc Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đưa bản thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu thông qua trước Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, việc Anh rời EU mà không thông qua thỏa thuận Brexit sẽ khiến London phải đối mặt với những thách thức khi muốn thiết lập một mối quan hệ kinh tế tối ưu với EU trong tương lai.

Số nhà báo bị sát hại gia tăng đáng lo ngại

Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) vừa đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại cho thấy, số nhà báo bị giết hại trên thế giới để trả thù vì công việc của họ đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 với con số ghi nhận là 53 trường hợp.

Jamal Khashoggi, một trong những nhà báo bị sát hại trong năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, CPJ cho biết, tính đến ngày 14/12, đã có ít nhất 34 nhà báo trở thành các mục tiêu tấn công và sát hại để trả đũa vì công việc của họ. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong năm 2018, ít nhất đã có 53 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Điều này đã phản ánh mức độ gia tăng các vụ tấn công có chủ ý nhằm vào các nhà báo, so với con số 18 trường hợp nhà báo bị sát hại vì các hành vi trả đũa trong tổng số 47 trường hợp nhà báo thiệt mạng mà CPJ ghi nhận được trong năm 2017.

Cũng trong bản báo cáo thường niên công bố ngày 19/12, CPJ cho biết, số các nhà báo bị bắt giam trên toàn thế giới cũng đang có xu hướng tăng./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới