Thế giới tuần qua: Căng thẳng trên chính trường Mỹ

Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử J.Biden sắp diễn ra trong điều kiện an ninh thắt chặt; WHO cảnh báo về dịch bệnh COVID-19; Mỹ đưa Cuba quay trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố; WMO khuyến cáo về thời tiết nắng nóng kỷ lục trong năm 2021; Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên; Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thành công tốt đẹp... là một số sự kiện đáng chú ý trong tuần qua (11-17/1).

Chính trường Mỹ diễn biến căng thẳng

 Binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai bảo vệ an ninh tại khu vực bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C ngày 12/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính trường Mỹ đã có những diễn biến căng thẳng sau khi những người biểu tình Tổng thống D.Trump gây ra vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội hôm 6/1, khiến 5 người thiệt mạng.

Một tuần trước khi ông D.Trump kết thúc nhiệm kỳ, tổng cộng 232 nghị sĩ, bao gồm 10 thành viên Đảng Cộng hòa, ngày 13/1 (giờ Mỹ) đã bỏ phiếu luận tội tổng thống với cáo buộc "kích động nổi dậy". Kết quả này sẽ kích hoạt phiên xét xử ở thượng viện. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ chờ đến sau khi Tổng thống đắc cử J.Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Điều đó đồng nghĩa với việc ông D.Trump sẽ không bị cách chức trước khi hết nhiệm kỳ, song ông sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị 2 lần luận tội.

Lúc đầu, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử dự kiến sẽ được giữ lại một số truyền thống lâu đời, chỉ giảm quy mô và tuân thủ các quy định để ngăn ngừa COVID-19. Song vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 cùng với cảnh báo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về khả năng cuộc biểu tình vũ trang đang được lên kế hoạch tại 50 tòa nghị viện bang và tòa nhà Quốc hội trước thềm 20/1 đã làm thay đổi mọi chuyện. 

Theo truyền thống, tổng thống sắp mãn nhiệm thường tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm để tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã trở thành người đầu tiên tuyên bố sẽ không dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Trước những lo ngại về an ninh từ nay đến ngày 20/1 và kể cả sau thời điểm diễn ra lễ nhậm chức, các nhà chức trách Mỹ đã thực hiện một loạt biện pháp mạnh tay: Trung tâm thành phố Washington D.C bị biến thành doanh trại vũ trang; National Mall và Đài tưởng niệm Washington cũng bị đóng cửa. ..  Ngày 15/1, quân đội Mỹ xác nhận có khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai tại thủ đô Washington D.C nhằm bảo đảm an toàn cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào tuần tới và không bị động nếu xảy ra những tình huống bất ổn.

Thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm thứ 2 của đại dịch

 Một nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cháu bé. (Ảnh: AP/Xinhua)

5 tháng kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9/2020 và sau đó lan nhanh ở Anh từ tháng 11/2020, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đã lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trước sự lan nhanh của các ca lây nhiễm, nhất là các ca lây nhiễm biến thể mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 13/1 cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm thứ 2 của đại dịch. Theo WHO, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ khiến thế giới đối mặt với càng nhiều khó khăn hơn nữa trong năm 2021.

Ông Mark Ryan - chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của WHO cảnh báo: “Năm thứ 2 kể từ ngày xảy ra đại dịch COVID-19, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa nếu tình hình lây nhiễm vẫn diễn biến nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào những biện pháp tích cực góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm đã và đang được nhiều nước triển khai và sau đó tăng cường truyền thông tới mọi người. Ví dụ như những gì phát huy hiệu quả khi truyền thông, những gì chưa phát huy tác dụng, quản lý dịch bệnh ở cấp độ chính quyền ra sao, hạn chế và giải pháp như thế nào, những nghiên cứu trong khoa học, những gì đã làm được và chưa được. Chúng ta cần phải tìm ra những kết hợp khả thi nhất đang được các nước triển khai để nhân rộng ra nhiều nước”.

Số liệu thống kê trên worldometers.info cho thấy, tính đến sáng sớm 17/1, thế giới có 94.907.822 ca nhiễm COVID-19, với 2.029.490 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với 24.293.823 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.

Mỹ đưa Cuba trở lại “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố”

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên án các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/1 đã đưa Cuba trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố trước lý do đảo quốc Caribe tiếp tục hỗ trợ khủng bố ở Tây Bán Cầu, phá bỏ cam kết sau khi được đưa ra khỏi danh sách này năm 2015. Quyết định này đi cùng với các biện pháp trừng phạt các cá nhân và quốc gia có giao thương với Cuba, hạn chế viện trợ nước ngoài của Mỹ đối với Cuba, cấm xuất khẩu và bán vũ khí, và áp đặt kiểm soát đối với xuất khẩu các sản phẩm sử dụng kép.  

Cuba lần đầu tiên bị đưa vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1982 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Tới năm 2015, trong một nỗ lực bình thường hóa quan hệ với “Hòn đảo tự do” của cựu Tổng thống Barack Obama, La Habana đã được đưa ra khỏi danh sách này. Động thái của Tổng thống D.Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ đã đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm trong nỗ lực làm ấm lại quan hệ giữa hai nước, đồng thời gây khó cho nỗ lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong việc cải thiện quan hệ với Cuba.

Ngay trong ngày 11/1, Cuba tố cáo "chủ nghĩa cơ hội chính trị" của các lệnh trừng phạt mới do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định vài ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong khi đó, nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phản đối và lên án quyết định được cho là bất công với một đất nước có uy tín quốc tế cao về tình đoàn kết như đảo quốc Caribe này.

WMO dự báo năm 2021 sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất

  Năm 2021 tiếp tục được dự báo là năm nắng nóng (Ảnh minh họa: Khánh Linh).

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lưu ý rằng, năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra. Theo đánh giá vừa được WMO công bố ngày 14/1, năm 2020 đứng ở vị trí đầu tiên cùng với năm 2016 là năm nóng nhất trên hành tinh, trong một thập kỷ nhiệt độ kỷ lục.

WMO lưu ý rằng năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Do đó, vẫn còn phải xem mức độ làm mát liên tục do La Niña gây ra có thể tạm thời hạn chế xu hướng chung của sự ấm lên lâu dài trong năm 2021”.

Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm đến thập kỷ của WMO, có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5°C vào năm 2024. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, là ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Thông tin trên của WMO như một lời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng, đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của con người trên toàn cầu. Hiện nay, nhiệt độ đang nóng lên ở mức 1,2 độ C và nhiều khu vực và lục địa đã ghi nhận thời tiết rất khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng từ 3-5 độ C – mức tăng “thảm họa” trong thế kỷ này.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên

 Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ VIII đã bầu nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm Tổng Bí thư. (Ảnh: Reuters)

Ngày 11/1, tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đã dẫn thông cáo Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ VIII khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được bầu làm Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối.

Cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, quyết định bầu ông Kim Jong-un làm Tổng Bí thư của đảng Lao động Triều Tiên được thông qua tại ngày làm việc thứ 6 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên. Đây là sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức nhằm đánh giá kế hoạch 5 năm qua và bàn về kế hoạch 5 năm tới của Triều Tiên, với nhiều chủ trương đường lối về ngoại giao, quân sự, kinh tế … cùng các quyết định về nhân sự chủ chốt được đưa ra.

Theo đánh giá của KCNA thì sự thay đổi chức danh này nhằm đảm bảo quyền lực của đảng Lao động Triều Tiên với vị trí là cơ quan chính trị hàng đầu. Đảng Lao động Triều Tiên cũng ấn định thời gian tổ chức Đại hội đảng 5 năm/lần.

Sau 8 ngày làm việc, Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ VIII đã bế mạc ngày 12/1, với kết quả thông qua Nghị quyết “Thực thi đầy đủ các nhiệm vụ đã đặt ra trong báo cáo công tác của Ủy ban Trung ương WPK lần thứ 7”, hướng tới xây dựng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Triều Tiên.

Khai mạc trọng thể Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ XI

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng NDCM Lào, sáng 13/1. (Ảnh: nhandan.com)

Ngày 13/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào khai mạc trọng thể tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào với sự tham dự của 768 đại biểu.

Đại hội nhằm "nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo ổn định chính trị vững chắc, triển khai đường lối đổi mới đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội theo hướng chất lượng mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tiếp tục đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đi lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa".

Trong 3 ngày làm việc, Đại hội tập trung thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, cũng như sự chỉ đạo – lãnh đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VIII ( 2016-2020), thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ IX (2021 -2025), đưa đất nước Lào thoát khỏi tình trạng khó khăn, vực dậy nền kinh tế phát triển hướng tới mục tiêu chất lượng, trọng tâm, xanh và bền vững...

Tại phiên bế mạc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 71 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Thongloun Sisoulith được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng NDCM Lào.

Thiên tai, tai nạn gây nhiều thương vong tại Indonesia

Công tác cứu hộ được khẩn trương tiến hành sau vụ động đất ở Sulawesi. (Ảnh: AFP) 


* Hãng Reuters ngày 15/1 đưa tin một trận động đất 6,2 độ Richter đã làm rung chuyển đảo Sulawesi của Indonesia khiến ít nhất 34 người chết và hàng trăm người bị thương, nhiều tòa nhà bị hư hỏng. Tâm động đất nằm cách thành phố Majene trên đảo Sulawesi khoảng 6km về phía đông bắc.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan xử lý thảm họa Indonesia, động đất đã khiến 4 người thiệt mạng và 637 người bị thương ở Majene. Tại tỉnh Mamuju gần đó có 3 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương... Hàng ngàn người đã chạy khỏi nhà để tìm kiếm nơi an toàn khi trận động đất xảy ra khoảng sau 1h sáng 15-1 (giờ địa phương), khiến ít nhất 60 ngôi nhà bị hư hại.

* Ngày 15/1, các thợ lặn đã tìm thấy phần vỏ ngoài của hộp ghi âm buồng lái chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia) gặp nạn tuần trước khiến toàn bộ 62 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng. Trước đó, hôm 12/1, các thợ lặn đã vớt được hộp đen ghi lại dữ liệu của chuyến bay (FDR) và các nhà điều tra đã tải thành công dữ liệu từ hộp đen này.

Hoạt động tìm kiếm các nạn nhân đã được nối lại từ ngày 14/1 sau khi phải tạm ngừng từ chiều 13/1 do thời tiết xấu. Hiện các nhà chức trách đã xác định được danh tính của 12 nạn nhân trong vụ tai nạn./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới