Thế giới tuần qua: ASEAN khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông

Bên cạnh những diễn biến đáng quan ngại của đại dịch COVID-19, thế giới tuần qua (19-25/10) đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình chiến sự Libya, màn tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa các ứng cử viên giúp "định hình" cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và việc ASEAN khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông tại hội nghị với Liên hợp quốc...

ASEAN khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông tại hội nghị với Liên hợp quốc

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên hợp quốc ngày 21/10. (Ảnh: BNG )

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tối 21/10 đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên hợp quốc. Cùng tham dự có các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng thư ký ASEAN.

Đề cập tới tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng tái khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN, được lãnh đạo khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36 tháng 6/2020 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 tháng 9/2020.

"Phó thủ tướng nhấn mạnh cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển); cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), và tiếp tục các nỗ lực đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982", Bộ Ngoại giao cho biết.

Đây là Hội nghị thường niên nhằm rà soát những tiến triển trong quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 11 vào tháng 11/2020 và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trao đổi về tình hình khu vực và thế giới, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa đến đời sống ở các quốc gia. Các đại biểu cùng nhau đề cao hợp tác đa phương, cam kết tiếp tục nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn. Các bên bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.Trên cơ sở đó, Hội nghị kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, sớm xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, khung khổ cho mọi hoạt động trên biển.

WHO: Thế giới đang ở thời điểm quan trọng của đại dịch COVID-19

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus .(Ảnh: Reuters)

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang ở thời điểm quan trọng của đại dịch COVID-19, và một số quốc gia đang có nguy cơ sụp đổ dịch vụ y tế do quá tải.

"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở Bắc bán cầu. Vài tháng tới sẽ rất khó khăn và một số quốc gia đang trong tình trạng nguy hiểm" - ông Tedros nói trong ngày 23/10.

"Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các nước hành động ngay lập tức, để ngăn có thêm các ca tử vong không cần thiết, ngăn dịch vụ y tế sụp đổ và ngăn trường học đóng cửa lần nữa" - người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói thêm.

Tổng giám đốc Tedros cho biết có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng theo cấp số nhân, "và điều đó khiến các bệnh viện và các đơn vị chăm sóc đặc biệt phải hoạt động quá công suất - trong khi chúng ta chỉ đang ở tháng 10".

Ông nói rằng các quốc gia nên hành động để hạn chế sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Trong đó, việc cải thiện khâu xét nghiệm, truy vết các ca tiếp xúc với người bệnh và cách ly những người có rủi ro lây bệnh cho người khác sẽ giúp các nước tránh được việc bắt buộc phải phong tỏa.

“Màn so găng” cuối cùng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống ngày 23/10. (Ảnh: Reuters) 

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ ngày 23/10 (theo giờ Việt Nam) đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua. Sự kiện này được xem là cơ hội quý báu để Tổng thống D.Trump tái định hình thế trận cuộc đua vào Nhà Trắng, còn cựu Phó Tổng thống Biden có thể tận dụng màn tranh luận để củng cố vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh đã có hơn 40 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, kết quả cuộc tranh luận này có thể không tác động đáng kể đối với sự lựa chọn cuối cùng của cử tri còn lưỡng lự.

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên hơn 1 tháng trước được mô tả là "hỗn loạn" khi hai nhân vật chính liên tục to tiếng và ngắt lời nhau, màn "so găng" cuối cùng của hai ứng cử viên hơn 70 tuổi này tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse, diễn ra thực chất hơn. Hai ứng cử viên đã điềm tĩnh trả lời các câu hỏi, tập trung về những vấn đề quốc gia đại sự, gắn liền với chính sách đối nội như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vấn đề sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế hay an ninh quốc gia. Hai đối thủ cũng đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt trong từng vấn đề.

Trong bối cảnh đã có khoảng 48,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, chiếm 34,5% tổng số cử tri đã đi bầu trong cả cuộc bầu cử năm 2016, cả hai ứng cử viên đều xem cuộc tranh luận cuối cùng là cơ hội then chốt để thuyết phục các cử tri còn do dự. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, bởi trên thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình. Bất luận kết quả của cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống ra sao hay thế trận đang nghiêng về bên nào, thì đáp án cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ngày định mệnh 3/11 tới. 

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO thảo luận về nhiều vấn đề “nóng”

Tổng thống Donald Trump (bên phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.  Ảnh: Reuters 

Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp trực tuyến trong hai ngày 22 và 23/10 nhằm thảo luận biện pháp giải quyết những thách thức an ninh mà khối đang phải đối mặt.

Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng NATO Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ cuộc họp sẽ tập trung vào những vấn đề “nóng” như chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng, các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng răn đe trước những thách thức an ninh, cũng như sứ mệnh ở Afghanistan và Iraq.

Liên quan tới vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, người đứng đầu NATO cho hay khối này hoan nghênh những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Theo nguồn tin CNN, các cuộc đàm phán giữa hai ông lớn hạt nhân đang dần đi đến hồi kết khi ngày 20/10, Moscow đề xuất gia hạn Hiệp ước New START thêm một năm và tuyên bố sẵn sàng cùng với Washington thực hiện cam kết chính trị về việc "đóng băng" các đầu đạn hạt nhân mà hai bên nắm giữ trong giai đoạn này. Trong khi đó, phía Mỹ cho biết họ đã sẵn sàng nhóm họp với Nga để nhanh chóng gia hạn hiệp ước này.

Bên cạnh vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng và an ninh hạt nhân, cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng thảo luận về một số vấn đề xoay quanh sứ mệnh của khối ở Afghanistan và Iraq, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đang có những động thái thể hiện quyết tâm chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào “những cuộc chiến không hồi kết” tại địa bàn Trung Đông.

 IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua hàng tại siêu thị ở Singapore ngày 3/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 21/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước đó, hồi tháng Bảy vừa qua, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ giảm 1,6% trong năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Jonathan D.Ostry, quyền Giám đốc bộ phận khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho biết báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực mới nhất của IMF cho thấy nền kinh tế khu vực bắt đầu phục hồi trong quý III/2020, mặc dù sức mạnh của các động lực tăng trưởng tại các nước trong khu vực không đồng đều. Điều này dẫn tới việc các quốc gia ghi nhận tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau.

Theo ông Ostry, các nền kinh tế phát triển gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand, vẫn trong tình trạng suy thoái, được đánh giá sẽ phục hồi tích cực hơn so với dự báo sau khi thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Trung Quốc, vốn là quốc gia hứng chịu tác động của dịch COVID-19 sớm nhất, cũng đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt trong quý đầu tiên của năm, với mức tăng trưởng dự báo là 1,9% trong năm nay. Đây được xem là "một con số tích cực hiếm hoi" trong bức tranh kinh tế khu vực với nhiều gam màu xám.

Đối với năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ đạt 6,9%. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ tăng trưởng này, GDP của toàn khu vực trong năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn mức dự báo được IMF đưa ra trước đại dịch. Ông Ostry nêu rõ với sự sụt giảm của lực lượng lao động và đầu tư tư nhân, GDP tiềm năng của toàn khu vực vào giữa thập kỷ có thể thấp hơn 5% so với trước đại dịch COVID-19.

Tổng thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Libya

 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 23/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn mà các bên đối địch tại Libya vừa ký kết, coi đây như một bước tiến lớn hướng tới hòa bình.

Ông Guterres nói: "Đây là một bước đi cơ bản hướng tới hòa bình và ổn định tại Libya. Tôi hoan nghênh việc các bên ở Libya ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Geneva ngày hôm nay, dưới sự bảo trợ của LHQ".

 Trước đó cùng ngày, hai bên tham chiến tại Libya đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài do LHQ làm trung gian, sau 5 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ).

Thỏa thuận trên đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đặt trụ sở ở miền Đông nước này.

Xung đột tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay và lôi kéo sự can dự của nhiều nước bên ngoài. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.

Theo LHQ, trong 6 tháng đầu năm 2020, hơn 350 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh tại Libya, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hơn 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4/2019./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới