Thế giới tuần qua (18-24/1): Nước Mỹ có Tổng thống mới

Ông J.Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, bảo đảm phân bổ vaccine công bằng trên phạm vi toàn cầu, tác động của COVID-19 đến ngành thương mại Mỹ Latinh, Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ từ các đập lớn quá tuổi trên thế giới, ASEAN đưa ra kế hoạch tổng thể kỹ thuật số năm 2025... là một số thông tin đáng chú ý trong tuần qua (18-24/1).

Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ

 Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 tại Điện Capitol, Washington D.C, ngày 20.1. Ảnh: AFP

Sáng 20/1 (theo giờ Mỹ), tức chiều tối cùng ngày (theo giờ Hà Nội), lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã bắt đầu diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng. Tuy nhiên, buổi lễ này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những năm trước đây do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề an ninh sau cuộc biểu tình bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1.

Lễ nhậm chức Tổng thống năm 2021 không giống bất kỳ lễ nhậm chức Tổng thống nào khác mà người dân quốc gia này từng chứng kiến và tham dự. Buổi lễ với chủ đề “Nước Mỹ thống nhất” phần nào phản ánh vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden và "Phó tướng" Kalama Harris, đồng thời phản ánh sự khởi đầu của một hành trình quốc gia mới để xây dựng nước Mỹ, gắn kết đất nước, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Do tình hình thực tế, lễ nhậm chức năm nay vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống song lại có nét thay đổi. Người ủng hộ bị hạn chế tham dự sự kiện năm nay do COVID-19, thay vào đó, là khoảng 200.000 lá quốc kỳ tượng trưng cho người dân 56 bang và các vùng lãnh thổ của Mỹ được xếp ngay ngắn tại khu vực diễn ra lễ nhậm chức. Ba trong số 4 cựu Tổng thống gần đây là: Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton cùng các cựu Đệ nhất phu nhân đã đến dự. Ông D.Trump đã phá vỡ truyền thống lịch sử hơn 150 qua của nước Mỹ, khi trở thành vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Sau lễ tuyên thệ, ông J.Biden đã có bài phát biểu đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, với cam kết ông sẽ trở thành Tổng thống của tất cả người dân Mỹ và kêu gọi mọi người đoàn kết. Cùng với sự vui mừng của người dân Mỹ, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng, tỏ rõ sự hy vọng vào tương lai hợp tác với Mỹ dưới thời ông J.Biden, sau 4 năm đầy biến động dưới thời ông D.Trump.

Ngay trong ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo và đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm liên quan tới những vấn đề như: đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giữa các sắc tộc, nhập cư... Tân Tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi tự hào về các hành động điều hành ngày hôm nay. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giữ những lời hứa mà tôi đã nói với người dân Mỹ”.

Đảm bảo công bằng trong nguồn cung vaccine trên toàn cầu

 Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: Xinhua)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/1 thông báo đã ký thỏa thuận mua 40 triệu liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Tuyên bố của WHO nêu rõ, với các thỏa thuận mua vaccine mới đạt được với hãng Pfizer cũng như những công tác đánh giá đang được triển khai để phê duyệt vaccine tiềm năng do hãng AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford (Anh) phát triển, WHO dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 2 tới theo cơ chế COVAX - cơ chế phân bổ đảm bảo cả những nước có thu nhập thấp và trung bình cũng sẽ có vaccine.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề chia sẻ công bằng vaccine nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhất là từ các nước nghèo. Bên cạnh cơ chế COVAX, ngày 21/1, liên minh châu Âu (EU) đã thông báo kế hoạch thiết lập 1 cơ chế chia sẻ vaccine chưa dùng cho các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước châu Phi.

Theo Ủy viên phụ trách Y tế của Liên minh châu Âu Stella Kyriakides, cơ chế này sẽ cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận với nguồn vaccine trước khi cơ chế COVAX được vận hành đầy đủ. Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên chia sẻ vaccine cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara. Cho đến nay, EU đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 từ 6 công ty.

Những thông tin trên được WHO và EU đưa ra trong bối cảnh thế giới đã bước sang năm thứ 2 phải đối phó với đại dịch COVID-19, với số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng theo từng giờ, từng ngày. Tính đến sáng 24/1, toàn thế giới ghi nhận 99.321.020 ca nhiễm COVID-19, với 2.130.293 ca tử vong vì dịch bệnh. Tình hình được dự báo là sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Trong tuần qua, các nhà khoa học cho biết, biến thể virus SARS-CoV-2 mới được xác định ở Nam Phi có thể tránh các kháng thể tấn công trong phương pháp điều trị bằng huyết tương từ những bệnh nhân đã hồi phục, có thể làm giảm hiệu quả của dòng vaccine hiện tại, đồng thời có nguy cơ tái nhiễm. Biến thể mới mang tên 501Y.V2, được xác định bởi các chuyên gia gen Nam Phi vào cuối năm ngoái ở Vịnh Nelson Mandela. Các nhà nghiên cứu Nam Phi cho biết, biến thể 501Y.V2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với những biến thể trước đó. Nó đã lây lan sang ít nhất 20 quốc gia kể từ khi được báo cáo với WHO vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Ngành thương mại Mỹ Latinh "sụp đổ" trong năm 2020 do đại dịch COVID-19

 Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (Cepal) ngày 22/1 cho biết do những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã sụt giảm 13% và nhập khẩu cũng giảm 20% trong năm 2020.

Trong báo cáo thường niên về Triển vọng Thương mại Quốc tế Mỹ Latinh 2020 do Thư ký điều hành của Cepal - bà Alicia Barcena trình bày, trao đổi thương mại của khu vực Mỹ Latinh với thế giới trong năm 2020 vừa qua xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bà Barcena cho rằng khu vực này đã “tan rã” về mặt thương mại và sản xuất, với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 7 thập kỷ và cho rằng đây là điều rất đáng lo ngại, bởi thương mại nội khối có lợi nhất cho đa dạng hóa sản xuất, việc quốc tế hóa các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và vấn đề bình đẳng giới. 

Theo số liệu trong báo cáo của Cepal, Trung Mỹ là tiểu vùng có mức giảm xuất khẩu thấp nhất với 2%, trong khi đó thương mại ở Nam Mỹ và Mexico - nền kinh tế thứ 2 trong khu vực sau Brazil - ghi nhận mức giảm 13% và vùng Caribe là 16%. 

Báo cáo của Cepal chỉ ra rằng khu vực cần thúc đẩy một chương trình nghị sự chung nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, cũng như hợp tác kỹ thuật số, để tạo ra sự hiệp lực trong các lĩnh vực năng động nhất. Cepal khẳng định cần phải "hội nhập sâu rộng hơn để thúc đẩy phục hồi khu vực” và hỗ trợ phục hồi bền vững toàn diện. 

Tài liệu của tổ chức kinh tế khu vực cũng lưu ý rằng sự phục hồi giá cả của các mặt hàng cơ bản và sự gia tăng về nhu cầu tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tạo điều kiện cho sự phục hồi dần trở lại của ngành xuất khẩu trong khu vực kể từ nửa cuối năm 2020, song tình hình này lại không chắc chắn do sự tái bùng phát của dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia khác nhau. Theo đó, việc các nước tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển và suy giảm thương mại tiếp tục tác động đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ chiếm đa số trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch và dịch vụ và các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu. 

Để đối phó với tình trạng này, Cepal kêu gọi tăng cường hội nhâp và bổ sung năng suất khu vực bằng cách đảm bảo sự tham gia của nữ giới trong các ngành chiến lược nhằm thay đổi cơ cấu với bình đẳng giới trong một thế giới hậu đại dịch. Tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc đề xuất các biện pháp như đưa các quy định về giới vào các thỏa thuận thương mại, đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận tín dụng, công nghệ và việc làm trong các ngành năng động.

LHQ: Các đập lớn quá tuổi trên thế giới gây ra "nguy cơ mới nổi"

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc. (Ảnh: Getty) 

Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 22/1 cho biết vào năm 2050, hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ sống ở vùng hạ lưu của hàng chục nghìn con đập lớn gần hoặc đã quá tuổi thọ dự kiến của chúng.

Theo Viện nước, môi trường và sức khỏe của Đại học Liên hợp quốc (UNU) cho biết hầu hết trong số gần 59.000 đập lớn trên thế giới được xây dựng trong giai đoạn 1930-1970 và được thiết kế để tồn tại từ 50-100 năm. Ông Vladimir Smakhtin- giám đốc Viện nước, môi trường và sức khỏe của UNU và là đồng tác giả của nghiên cứu trên cảnh báo đây là "một nguy cơ toàn cầu đang nổi lên mà chúng ta chưa chú ý đến" và xét về các đập có nguy cơ, số lượng "đang tăng lên qua từng năm, từng thập kỷ". Một con đập được thiết kế, xây dựng và bảo trì tốt có thể dễ dàng duy trì hoạt động trong một thế kỷ. Nhưng nhiều đập lớn trên thế giới không đạt được một hoặc nhiều hơn trong các tiêu chí này.

Báo cáo cảnh báo hàng chục con đập đã bị hư hại nghiêm trọng hoặc sụp đổ hoàn toàn trong hai thập kỷ qua ở Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Afghanistan và các quốc gia khác, và số lượng những sự cố như vậy có thể tăng lên. Ông Duminda Perera, nhà nghiên cứu tại Đại học Ottawa và Đại học McMaster, là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết “do biến đổi khí hậu, lượng mưa cực đoan và lũ lụt đang trở nên thường xuyên hơn”. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tràn hồ chứa mà còn đẩy nhanh quá trình bồi đắp phù sa, ảnh hưởng đến an toàn đập, giảm khả năng tích nước và giảm sản lượng điện của các đập thủy điện. Ông Duminda Perera cho rằng "sẽ không có một cuộc cách mạng xây dựng đập nào nữa, vì vậy tuổi trung bình của các con đập ngày càng già đi. Do các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, gió nên rất nhiều đập thủy điện đã được lên kế hoạch có thể sẽ không bao giờ được xây dựng". Một hạm đội toàn cầu gồm gần 60.000 con đập cũ kỹ cũng đặt ra thách thức trong việc tháo dỡ hoặc "ngừng hoạt động" những con đập không còn an toàn hoặc hết thời hạn hoạt động.

Trung Quốc là quê hương của 40% đập lớn trong số đó, còn 15% ở Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Trong vòng vài năm tới, hơn một nửa trong số đó sẽ có tuổi đời hơn 50 năm. Mỹ chiếm 16% số lượng đập trên thế giới, hơn 85% trong số đó đã hoạt động bằng hoặc quá tuổi thọ. Theo một ước tính, Mỹ sẽ tốn khoảng 64 tỷ USD để tân trang lại chúng. Ở Ấn Độ, 64 đập lớn sẽ có tuổi đời ít nhất 150 năm vào năm 2050. Còn ở Bắc Mỹ và châu Á, có khoảng 2.300 con đập đang hoạt động ít nhất 100 năm tuổi.Trên toàn thế giới, các con đập có sức chứa khoảng 7.500 km khối nước. Với số lượng nước này đủ để nhấn chìm hầu hết lãnh thổ Canada sâu một mét.

Chuyển đổi số: Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025

 Ảnh: Bernama.com

Ngày 22/1, Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất (ADGMIN1) đã bế mạc sau hai ngày họp và thông qua Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025). Văn bản này nhằm hướng dẫn sự hợp tác kỹ thuật số cho các nước thành viên trong giai đoạn 2021-2025 trong việc thực thi kế hoạch đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái và đảm bảo an ninh mạng để thúc đẩy không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

ADM2025 đã vạch ra 8 nội dung chính, gồm Ưu tiên đẩy mạnh sự phục hồi của các nước thành viên ASEAN sau đại dịch COVID-19; Tăng cường chất lượng và độ bao phủ của hạ tầng băng thông rộng cố định và di động; Cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số đáng tin cậy và ngăn chặn thiệt hại đến người tiêu dùng; Thiết lập thị trường cạnh tranh và ổn định cho việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật số; Tăng cường chất lượng và sử dụng dịch vụ chính phủ điện tử; Dịch vụ kỹ thuật số kết nối doanh nghiệp và thiết lập cơ sở hạ tầng cho thương mại xuyên biên giới; Nâng cao khả năng cho doanh nghiệp và người dân tham gia nền kinh tế kỹ thuật số và một xã hội kỹ thuật số hài hòa trong ASEAN.

Hội nghị lần này cũng đã thông qua Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị ADGMIN lần thứ hai và các cuộc họp với các đối tác đối thoại và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tại Myanmar vào cuối năm nay. 

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định ASEAN cần những dự luật mới để đối phó với mối đe dọa xuyên biên giới nhằm phát triển khu vực thành khối kinh tế kỹ thuật số. Ông cho rằng theo luật hiện hành, có nhiều lĩnh vực cần phải xem xét lại để phù hợp với những thách thức và công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh không gian mạng. Theo đó, ASEAN phải chú ý đến mối đe dọa an ninh mạng đang thay đổi nhanh chóng, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, bao gồm cả vấn đề an ninh quốc gia. Việc đe dọa an ninh mạng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi ở các nước một sự tiếp cận phối hợp và tích hợp ở tầm khu vực. 

Thủ tướng Muhyiddin Yassin đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 toàn cầu đã đẩy nhanh sự tăng trưởng của kinh tế số tại Malaysia. Trong bối cảnh đó, chính phủ xác nhận kinh tế số là một trong những lĩnh vực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Ông lưu ý rằng đại dịch đã buộc ASEAN phải hướng đến việc số hóa, đồng thời nó đã trao cho các quốc gia thành viên một động lực bất ngờ để tiến nhanh hơn trên con đường này./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới