Thầy giáo vùng cao giàu nghị lực

Gần 10 năm “gieo chữ” ở vùng cao Chiềng Công (Mường La), thầy giáo Đinh Văn Thiểu, dù chỉ có một cánh tay lành lặn, nhưng với ý chí kiên cường, cần mẫn bám trường, bám lớp, thắp sáng ước mơ và “truyền lửa” cho học trò nơi vùng cao còn nhiều gian khó.

Một giờ dạy học của thầy giáo Đinh Văn Thiểu, Trường Tiểu học Chiềng Công.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng ven sông Đà thuộc xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, thầy Thiểu bị khuyết tật bẩm sinh cánh tay trái, nhưng ngay từ nhỏ, thầy đã luôn nỗ lực để tự làm mọi việc. Và đặc biệt, ước mơ được đứng trên bục giảng dạy chữ cho đàn em nhỏ khiến chàng trai Đinh Văn Thiểu quyết tâm vượt mọi khó khăn, theo học chuyên ngành giáo dục tiểu học (Trường Đại học Hải Phòng). Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, thầy công tác tại Trường Tiểu học Chiềng Công.

Nhận công tác tại trường vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, giao thông cách trở, đối với người lành lặn tay chân đã vất vả, đối với thầy Thiểu lại càng khó khăn hơn. Mỗi lẫn về thăm nhà, thầy Thiểu phải đi nhờ xuống huyện, sau đó đón xe khách về xã Tạ Khoa, rồi đi thêm một chuyến thuyền mới tới nhà.  Nhưng với sự yêu nghề, thầy Thiểu luôn trăn trở nghiên cứu phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu và về các bản vận động học sinh đến trường. Thầy Thiểu tâm sự: Tôi từng được phân công giảng dạy tại nhiều điểm trường như điểm trung tâm, bản Co Sủ Trên, bản Tảo Ván. Những ngày đầu đến các điểm trường vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm xã từ 5 đến 28 km, do bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu phong tục tập quán của người dân sở tại khiến cho việc giao tiếp, sinh hoạt và giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, do cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số phần lớn đều nghèo, phải lo cái ăn, cái mặc, nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con trẻ, hoặc không đủ điều kiện lo cho con em đến trường. Vì vậy, việc duy trì học sinh đến lớp thường xuyên là không dễ. Trong hành trình cùng đồng nghiệp vượt rừng, lội suối đến từng gia đình để trò chuyện, động viên bà con cho trẻ tới trường, tôi đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, của học sinh để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp đặc biệt khó khăn, như mua cho các em chiếc ba lô, tặng quần, áo...

Với thầy Thiểu, hoàn cảnh và ước mơ của bản thân là câu chuyện thầy chọn để tâm sự, chia sẻ và "truyền lửa" tới học trò. Thầy chứng minh cho các em học sinh thấy rằng, dù bản thân bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn, nhưng những cố gắng, nỗ lực sẽ biến ước mơ thành hiện thực. Thầy còn luôn động viên, lắng nghe nguyện vọng, ước mơ của học trò để đưa ra lời khuyên, hỗ trợ các em trong học tập và trong cuộc sống. Tâm sự với chúng tôi, thầy Thiểu mong muốn các cấp, các ngành, các “mạnh thường quân” quan tâm hơn nữa học trò ở xã vùng cao Chiềng Công; mong sẽ có thêm nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường lẻ còn là nhà tạm; có thêm những cuốn sách, vở, chiếc áo, đôi giày ấm... để các em học sinh nghèo nơi đây vững bước tới trường.

Gần 10 năm gắn bó với mảnh đất và người dân xã Chiềng Công, thầy giáo Đinh Văn Thiểu không chỉ nỗ lực đem “con chữ” đến với trẻ em dân tộc thiểu số, mà còn là điểm tựa tinh thần cho học trò. Chính vì lẽ đó, thầy luôn nhận được sự kính trọng, tin yêu của học sinh, của đồng nghiệp và nhân dân trong xã. Từ nhiệt huyết, gắn bó với nghề, thần Thiểu đã truyền thụ, tiếp thêm kiến thức cho bao thế hệ học trò vùng cao Chiềng Công.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới