Tháo gỡ rào cản ngôn ngữ cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở Chiềng Muôn

Tới vùng cao Chiềng Muôn, xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, chúng tôi cảm nhận rõ nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cũng như nhận thức của đồng bào các dân tộc khi ngày càng quan tâm việc học của con trẻ, nhất là sự chung tay tháo gỡ rào cản ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, giúp trẻ thuận lợi hơn khi tiếp thu kiến thức và tự tin, hòa nhập với những môi trường sinh hoạt chung.

 

Một giờ dạy và học ở Trường Tiểu học và THCS Chiềng Muôn (Mường La).

Hỏi chuyện một nhóm học sinh, được biết các em ở bản Hua Đán, Cát Lình, là những bản đồng bào dân tộc Mông cách xa trung tâm xã. Chỉ đường tới bản Cát Lình, em Giàng Thị Chư, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học và THCS Chiềng Muôn tự tin tả đường bằng tiếng phổ thông cho chúng tôi. Đúng lúc gặp ông của Chư tới đón, ông Giàng A Sụa chia sẻ: Trước đây, do thói quen nên hầu như mọi người trong gia đình thường giao tiếp với nhau bằng tiếng Mông, tuy nhiên, được các thầy, cô giáo đến vận động, tuyên truyền, chúng tôi đã nói chuyện với con cháu bằng tiếng phổ thông nhiều hơn tại nhà.

Đến bản Nong Quài, bản đồng bào dân tộc La Ha, có mặt tại gia đình chị Lò Thị Lướng đúng lúc chị đang hướng dẫn các con đọc thơ, truyện tranh bằng tiếng Việt. Chị Lướng chia sẻ: Gia đình có một cháu đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học và THCS Chiềng Muôn, một cháu 3 tuổi đang học tại Trường Mầm non Chiềng Muôn. Trước đây, các cháu chỉ nói tiếng dân tộc mình. Từ khi tới lớp, được các cô giáo hướng dẫn, các cháu đã nói tiếng phổ thông tốt hơn. Không chỉ chị Lướng, nhiều phụ huynh học sinh khác ở vùng cao Chiềng Muôn đã hiểu rằng, muốn con tiếp thu kiến thức tốt hơn, tự tin giao tiếp, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa thì việc trang bị khả năng nghe, nói tiếng Việt là rất quan trọng. Vậy nên, sau mỗi giờ học trên trường, phụ huynh thường chủ động kèm cặp các con, cháu tập đọc, tập viết, kể con nghe các câu chuyện, hát bài hát tiếng phổ thông để các con làm quen và tăng cường vốn từ.

Trao đổi với thầy giáo Nguyễn Ngọc Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chiềng Muôn, được biết: Triển khai chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số”, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho các tổ chuyên môn tổ chức, triển khai phương pháp tăng cường tiếng Việt. Theo đó, yêu cầu các giáo viên có phương pháp bồi dưỡng khả năng nghe, nói, viết tiếng Việt cho học sinh trong tất cả các môn học chính khóa; tổ chức tiết học tăng cường tiếng Việt định kỳ 1 tiết/tuần theo tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong các giờ tự học buổi chiều và buổi tối của học sinh bán trú, các giáo viên tranh thủ thời gian để hướng dẫn, kèm cặp những học sinh có khả năng tiếng Việt còn hạn chế; đối với học sinh ở điểm lẻ, giáo viên phụ trách lớp chủ động sắp xếp thời gian, kế hoạch hỗ trợ học sinh ngoài giờ. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức các chương trình giao lưu Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tổ chức các sân chơi trí tuệ, trò chơi dân gian, ngoại khóa theo chủ đề để học sinh các dân tộc có thêm nhiều cơ hội giao tiếp với nhau, đồng thời rèn luyện sự mạnh dạn và tự tin. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền các bản để tới gia đình học sinh vận động, tuyên truyền cho phụ huynh về vai trò của tăng cường tiếng Việt, hướng dẫn phụ huynh phương pháp tăng cường tiếng Việt tại nhà cho con em.

Nhờ sự nỗ lực của nhà trường và gia đình trong việc triển khai chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, đến nay 100% học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học và THCS Chiềng Muôn được tăng cường tiếng Việt, năng lực học tập của học sinh từng bước được nâng lên. Năm học 2018 - 2019, toàn trường có 97,9% học sinh tiểu học đạt danh hiệu học sinh hoàn thành nhiệm vụ trở lên; 88,7% học sinh THCS đạt học lực trung bình trở lên; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh lớp 9 đủ điều kiện tốt nghiệp THCS. Việc tự tin giao tiếp tiếng Việt, kết quả học tập nâng lên cũng giúp học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã thêm gắn bó với trường, lớp, góp phần đảm bảo duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 100%, cấp THCS đạt 98,7%.

Có thể thấy, chương trình tăng cường tiếng Việt, giúp trẻ em dân tộc thiểu số tháo gỡ rào cản ngôn ngữ ở Chiềng Muôn đã bước đầu đạt những hiệu quả tích cực. Với sự chung tay của cả cộng đồng, tiếng Việt được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng thường xuyên, song hành với ngôn ngữ các dân tộc, góp phần hỗ trợ hiệu quả hoạt động học tập, giao lưu trong cộng đồng, nhất là việc tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới