Tháo gỡ khó khăn xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Ngày 26/12, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số địa phương tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Dự tại điểm cầu Sơn La có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

 

Các đại biểu dự họp trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh

Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ còn 7/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến sáng 25/12/2021 trên 5.750 xe, chủ yếu tại 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Do Trung Quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất khẩu và nhân viên phòng, chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày.

Thời điểm này, nông dân Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nông sản tươi cần xuất khẩu, hằng ngày có hàng trăm xe đưa nông sản ra các cửa khẩu, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng. Bên cạnh đó, sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường, chất lượng, bao gói sản phẩm nhiều khi không đảm bảo; vùng trồng chậm được đăng ký; công tác truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đề nghị: Các bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND các địa phương kêu gọi, khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc lớn để tránh những rủi ro và thiệt hại về kinh tế. Giao Chủ tịch UBND các tỉnh có cửa khẩu ùn tắc hàng thông báo rộng rãi cho các tỉnh, thành về tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng ngày; phấn đấu giải phóng các xe còn tồn tại cửa khẩu Quảng Ninh và Lạng Sơn. Các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu; thông tin truyền thông một cách trung thực, khách quan, kịp thời. Về lâu dài, các bộ, ngành địa phương tiếp tục phối hợp, nghiên cứu xem xét các phương thức vận chuyển mới; chủ động sắp xếp, cơ cấu lại hàng hóa một cách bài bản, tuân thủ tuyệt đối theo quy luật nhu cầu của thị trường...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới