Thành phố thí điểm đưa vào giảng dạy kỹ năng sống trong trường học

Nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống (KNS), năm học 2018-2019, Thành phố thí điểm đưa vào giảng dạy chương trình này trong trường học. Với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng thực hành và thực tế, các buổi học kỹ năng sống đã thu hút và tạo hứng thú cho học sinh, bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên và phụ huynh.

Học sinh khối tiểu học Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cơi (Thành phố)

 tham gia hoạt động ngoại khóa giáo dục KNS.

 

Đúng 3 giờ chiều thứ 6, sau khi kết thúc các môn học chính khóa, học sinh các khối lớp tiểu học của Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cơi (Thành phố) tập trung trước sân trường tham gia buổi hoạt động ngoại khóa giáo dục KNS, với chủ đề “bảo vệ bản thân và phòng tránh nguy hiểm” do nhà trường phối hợp với Trung tâm KNS Tâm Việt Sơn La tổ chức. Cùng các bạn tham gia hoạt động ngoại khóa, khi được hỏi, em Nguyễn Kỳ Châu, học sinh lớp 5A1, vui vẻ: Hoạt động ngoại khóa vui lắm, cháu và các bạn rất thích. Ngoài giờ học trên lớp, cháu và các bạn được tham gia hoạt động ngoại khóa KNS, vừa biết cách phòng tránh nguy hiểm cho bản thân, vừa giúp cháu mạnh dạn hơn, tự tin, hăng hái phát biểu xây dựng bài. Tôi hiểu, những suy nghĩ của Châu chắc chắn cũng là suy nghĩ của số đông học sinh tham dự buổi ngoại khóa, bởi chúng tôi thấy tràn ngập những tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên của các em vang vọng sân trường.

Ông Trần Quốc Bình, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, cho biết: Năm học 2018-2019, nhận được Công văn của Sở GD&ĐT về việc phối hợp giáo dục KNS, Phòng đã phát hành Công văn số 208/GD&ĐT ngày 10/9/2018 triển khai tới các trường mầm non, tiểu học và THCS. Đến nay, đã có 4 đơn vị trường học liên kết với Trung tâm KNS Tâm Việt tổ chức thí điểm dạy KNS cho học sinh, với khung chương trình một tuần một buổi, theo hai hình thức: ngoại khóa tập trung cho học sinh các khối trong toàn trường hoặc tổ chức theo từng lớp hay từng nhóm học sinh, hoàn toàn theo hình thức tự nguyện và bằng hình thức xã hội hóa. Trước mắt, trong năm học 2018 - 2019, Thành phố tiến hành thí điểm tại các trường trong nội thành, cuối năm sơ kết, nếu thấy hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, sẽ triển khai trên toàn địa bàn Thành phố trong năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo. Trung tâm KNS Tâm Việt là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Thành phố tổ chức mô hình giáo dục này. 

Được biết, Trung tâm KNS Tâm Việt Sơn La thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, là Chi nhánh thứ 24 của Tâm Việt Group trên cả nước. Đơn vị đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; được Sở GD&ĐT Sơn La cấp phép tổ chức hoạt động KNS, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Giảng viên giảng dạy là những giáo viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm chính quy, trải qua một khóa đào tạo chuyên sâu về giảng dạy KNS do Tâm Việt Group (Hà Nội) đào tạo và cấp chứng chỉ. Ngoài ra, giảng viên còn được đào tạo bài bản về KNS. Bà Đinh Thị Hồi, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Với phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng thực hành và thực tế, môn KNS sẽ cung cấp cho học sinh những kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ghi nhớ, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng tự lập, tự phục vụ, kỹ năng phòng vệ, kỹ năng tư duy sáng tạo...; các em có thể ứng phó linh hoạt trước các tình huống trong cuộc sống, như: bắt cóc, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em... Để giảng dạy môn KNS tốt nhất, các giáo viên áp dụng nhiều biện pháp giảng dạy hiện đại: Học tập qua trải nghiệm, nội dung bài học lồng ghép trong các trò chơi, bài hát, tạo không khí vui tươi, học mà chơi, chơi mà học. Ngoài ra, giáo viên còn đóng vai tình huống, có thể hóa thân vào các nhân vật trong cổ tích, giúp các em trải nghiệm thực tế và rút ra bài học cho bản thân. Giáo án KNS được soạn theo thời gian và các chủ đề phù hợp với lứa tuổi.

Cũng theo ông Trần Quốc Bình, quan điểm chỉ đạo là các đơn vị, tổ chức được cấp phép hoạt động giáo dục KNS có trách nhiệm báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo; trực tiếp phối hợp với các trường học xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục KNS cho học sinh. Việc giáo dục KNS cho học sinh phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, ý thức tự giác của học sinh và phụ huynh; không được ép buộc học sinh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường; tuyệt đối không được vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm...

Việc dạy KNS cho trẻ hiện nay là nội dung quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục - Đào tạo cần kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các trung tâm; hướng dẫn xây dựng khung chương trình thống nhất cho từng khối học sinh. Về phía các đơn vị dạy KNS, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức, đưa KNS trở thành một trong những hoạt động giảng dạy có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới