Thành phố Sơn La: Xứng tầm đô thị loại II

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959 - 7/5/2019), thành phố Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 466/QĐ-TTg công nhận thành phố Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La. Đây là phần thưởng to lớn, mốc son quan trọng để Thành phố xứng đáng là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc.

Một góc thành phố Sơn La hôm nay.

Tiền thân của thành phố Sơn La là thị xã Sơn La, được thành lập theo Quyết định số 173/QĐ-CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ, gồm khu phố Chiềng Lề (2 tiểu khu Chiềng Lề, Quyết Thắng) và xã Chiềng Cơi. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thị xã xưa luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, nay là thành phố Sơn La năng động, sáng tạo vững bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ngày 3/9/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2008/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sơn La thuộc tỉnh Sơn La trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Sơn La với diện tích tự nhiên 32.351ha, dân số trên 100 nghìn người, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, 12 đơn vị hành chính, gồm: 7 phường, 5 xã với 173 tổ, bản, tiểu khu; Đảng bộ thành phố có 55 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 285 chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với 7.703 đảng viên.

Khởi công xây dựng Trụ sở cơ quan Chính trị - Hành chính thành phố Sơn La.

 

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để tổ chức quán triệt và vận dụng hiệu quả các Nghị quyết của Đảng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, Thành phố đã thực hiện hoàn thành và công bố công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố tại phường Chiềng Sinh; quy hoạch chi tiết xây dựng chuỗi đô thị dọc suối Nậm La. Công tác quản lý quy hoạch đô thị được tăng cường ở các khu vực trọng điểm phát triển đô thị (khu Trường Đại học Tây Bắc, trục đô thị Chiềng Sinh - Nà Sản, dọc hai bên bờ suối Nậm La), đã huy động được sự đầu tư của toàn xã hội, của các thành phần kinh tế vào việc nâng cấp, xây dựng mới hệ thống hạ tầng đô thị. 

 

Thành phố ra quân tuyên truyền đảm bảo trật tự An toàn giao thông trên địa bàn.

 

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, Thành phố đã tiếp tục chỉ đạo quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, thương mại dịch vụ và công khai các điểm quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và thu tiền sử dụng đất bảo đảm cân đối nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đang triển khai, xây dựng hàng trăm công trình lớn, nhỏ, với những giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng đô thị với công tác chỉnh trang, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.  Cùng với chú trọng xây dựng, chỉnh trang và quản lý kiến trúc đô thị, Thành phố cũng đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng vào thành phố Sơn La; năm qua, đã có nhiều công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Trung tâm thương mại Plaza Vincom Sơn La; Khách sạn Mường Thanh Grand Sơn La... dọc trên những tuyến đường chính tại trung tâm Thành phố. Năm 2019, một bước chuyển đáng kể với bộ mặt đô thị Thành phố, khi Quảng trường Tây Bắc, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được xây dựng hoàn thành, là điểm nhấn quan trọng, là biểu tượng cho sự đoàn kết, mang ý nghĩa, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Sơn La đối với Bác Hồ kính yêu. Quảng trường có sức chứa lên đến hàng nghìn người, còn là trung tâm diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị, đồng thời cũng là một không gian công cộng với các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách. Cũng trong năm nay, trên địa bàn Thành phố, tỉnh Sơn La còn khánh thành đưa vào sử dụng Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh, Trung tâm có quy mô 5,76 ha, với tổng mức đầu tư trên 112 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục: Sân vận động được xây dựng theo tiêu chí sân vận động đô thị loại II, có sức chứa 10.000 chỗ ngồi, gồm: Sân bóng đá, mặt sân được trồng cỏ tự nhiên với hệ thống thoát ngầm, tưới ngầm. Xung quanh sân thiết kế 6 đường chạy vòng và 8 đường chạy thẳng với hệ thống đèn chiếu sáng, bảng điện tử hiện đại. Trung tâm sẽ tạo không gian tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao, là nơi có điều kiện hiện đại đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao cho tỉnh... những công trình đã và đang được xây dựng hoàn thành, sẽ tạo điểm nhấn trong diện mạo, cảnh quan, kiến trúc không gian đô thị hiện đại, năng động của thành phố Sơn La. 

 

Sản xuất gạch tại Nhà máy Gạch tuynel Chiềng Sinh.

Từ khi được công nhận là đô thị loại III năm 2005, sau gần 13 năm tập trung đầu tư xây dựng, đến nay kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố Sơn La đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ, chất lượng đời sống của người dân Thành phố được nâng lên, diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng lên; thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt chỉ tiêu. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2018 có 4/5 xã đạt chuẩn, phấn đấu năm 2019 công nhận xã còn lại. Giáo dục, y tế được quan tâm, hiện số trường đạt chuẩn Quốc gia có 30/43 đơn vị (thời điểm sau sáp nhập), đạt 70%. 10/12 đơn vị xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,18%. Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được đảm bảo, duy trì ổn định; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp và giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt đồng bộ. Thành phố Sơn La đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh Sơn La.

Với sự nỗ lực vượt bậc, thành phố Sơn La đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định 466/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 công nhận thành phố Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Định hướng của Thành phố trong thời gian tới là xây dựng đô thị hiện đại mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù của tiểu vùng Tây Bắc, đồng thời là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, động lực tăng trưởng kinh tế vùng dọc Quốc lộ 6 của tỉnh. Được đánh giá là trung tâm tổng hợp về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông và có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La. Đồng thời, là tỉnh có đường biên giới giáp nước CHDCND Lào, hoạt động đối ngoại không ngừng được tăng cường và mở rộng, nhất là hoạt động đối ngoại với một số đô thị (trong Hiệp hội đô thị Việt Nam và các thành phố kết nghĩa) và huyện Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn), huyện Huổi Sài (tỉnh Bò Kẹo) nước Cộng hòa DCND Lào nhằm tăng cường phối hợp, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Thành phố Sơn La được công nhận là đô thị loại II sẽ phát huy mạnh mẽ chức năng là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Sơn La. Là hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa của tỉnh, động viên, cổ vũ nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La tiếp tục phấn đấu vì sự phát triển của tỉnh, khu vực Tây Bắc và của đất nước.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới