Thành phố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Tháng 7 vừa qua, Thành phố đã công bố xã Chiềng Ngần, xã cuối cùng của Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Với sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân các dân tộc, sau hơn 8 năm, cả 5 xã của Thành phố là Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần và Hua La đã cán đích nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn mới xã Chiềng Xôm (Thành phố).

Qua 8 năm tổ chức thực hiện, xác định được mục tiêu, chiến lược quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố đã đặt mua và cấp phát trên 1.000 báo, tạp chí có nội dung về nông thôn mới cho các xã, bản; tiếp nhận, cấp phát trên 100 pa-nô, 500 áp-phích, 50 cuốn lịch và 200 cuốn sách về xây dựng NTM đến các xã... qua đó, giúp cán bộ, nhân dân nhận thức đúng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tự nguyện, tự giác đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất... chung tay xây dựng NTM.

Từ năm 2012 đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố đạt hơn 1.000 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước hơn 238 tỷ đồng; vốn do nhân dân đóng góp hơn 763 tỷ đồng), trong đó, nhân dân đóng góp cả tiền mặt, ngày công trị giá 63 tỷ đồng; hiến đất, cây cối, hoa màu, vật liệu... quy đổi bằng tiền 50 tỷ đồng; xây dựng, cải tạo nhà cửa, các công trình vệ sinh ước tính khoảng 200 tỷ đồng và đầu tư phát triển sản xuất 450 tỷ đồng.

Điểm nhấn của Thành phố là hệ thống đường giao thông nội bộ xã, bản, liên xã từng bước được nâng cấp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hơn 130 km đường giao thông nông được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí thực hiện trên 136 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 73,63 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng các vật liệu khác và ngày công ước tính 63,391 tỷ đồng)... đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Sau hơn 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt các xã của Thành phố có nhiều khởi sắc, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thiết chế văn hóa ở nhiều nơi được đầu tư, 68 bản, tiểu khu có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học, 14 trường thường xuyên duy trì giữ vững các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; 12 trạm y tế xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn các xã đạt 97,2%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ... Hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn thay đổi, sản xuất hàng hóa được chú trọng, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng cao, bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,2%...

Đến thời điểm này, Thành phố Sơn La đã đủ điều kiện để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành phố tiếp tục tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 có 1 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 có 5/5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đến năm 2030 có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới