Thanh niên “9x” làm giàu trên lòng hồ thủy điện

Nhắc đến Quàng Văn Chỉnh (sinh năm 1992), người dân tộc La Ha, ở bản Huổi Hẹ, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai), nhiều người dân trong xã đều biết bởi anh đảm nhận khá nhiều việc, vừa là cán bộ hợp đồng của văn phòng Đảng ủy xã theo Đề án bố trí, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc Mông và một số dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; vừa là Bí thư chi đoàn bản Huổi Hẹ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủy sản Huổi Pao, là một trong những cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã.

 

Anh Quàng Văn Chỉnh với mô hình nuôi cá lồng.  

           Ảnh: P.V

Qua cuộc trò chuyện với anh Quàng Văn Chỉnh, chúng tôi được biết: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, anh về địa phương cùng gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp. Cuối năm đó, được đồng chí Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Ét (đội viên Dự án 600 tri thức trẻ) lúc đó, nay là chuyên viên Phòng Nông nghiệp, Phó Tổ trưởng Tổ tư vấn thủy sản huyện tư vấn, hướng dẫn tận dụng diện tích lòng hồ sông Đà để nuôi cá lồng, anh đã mạnh dạn thực hiện nuôi thử 2 lồng cá trắm, tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ lá sắn, ngô, cỏ sau một thời gian thấy cá lớn nhanh, mang lại lợi ích kinh tế cao. Năm 2016, anh vận động đoàn viên và các hộ gia đình trong bản tham gia nuôi cá lồng, thành lập HTX thủy sản Huổi Pao chính thức hoạt động vào tháng 8/2017 với 11 thành viên và anh được tín nhiệm bầu làm giám đốc HTX.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập anh Chỉnh chia sẻ: Ngày mới thành lập, HTX còn gặp khó khăn về vốn và kinh nghiệm. Để giải quyết bài toán này, các thành viên HTX tích cóp tiền từ việc bán ngô, sắn để mua vật liệu làm lồng cá; tận dụng lá sắn, lá ngô, lá chuối rừng, nấu củ sắn trộn cùng cám để nuôi cá; đồng thời tích cực đi học hỏi kinh nghiệm các HTX nuôi cá lồng ở trong huyện; tham gia các lớp tập huấn về thủy sản do huyện, tỉnh tổ chức; thường xuyên cập nhật những kiến thức kỹ thuật thông qua internet, sách, báo, các tài liệu khoa học, dần dần tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi thủy sản. Hiện, HTX đang nuôi 50 lồng cá các loại, doanh thu hằng năm của HTX trừ chi phí thu về gần 300 triệu đồng, mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng/thành viên. Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng của HTX, nhiều hộ dân trong xã đã học tập, làm theo, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, trên cương vị là Bí thư chi đoàn bản, anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, thực hiện hiệu quả các phong trào như: vận động ĐVTN tham gia nạo vét kênh mương; quét dọn vệ sinh môi trường vào mỗi thứ 7, chủ nhật hằng tuần, giúp đỡ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao do đoàn xã, huyện tổ chức, giao lưu bóng đá với các chi đoàn lân cận; tổ chức các trò chơi dân gian vào dịp kỉ niệm, lễ, tết... Đặc biệt là trong việc vận động ĐVTN trong Chi đoàn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ với mục tiêu “ĐVTN không để đói nghèo”. Nhờ vậy, trong Chi đoàn không có đoàn viên thanh niên thuộc hộ nghèo, nhiều đoàn viên thanh niên có thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi với mức thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm. Với những thành tích đạt được, anh Chỉnh được Tỉnh Đoàn công nhận danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp tỉnh giai đoạn 2016-2018.

Nói về anh Quàng Văn Chỉnh, đồng chí Lò Văn Đôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nặm Ét khẳng định: Đồng chí Chỉnh không những hoàn thành xuất sắc vai trò, chức trách là Bí thư chi đoàn, cán bộ xã thực hiện hiệu quả hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương; trong lĩnh vực phát triển kinh tế, anh còn luôn tiên phong đi đầu ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm giàu chính đáng cho gia đình, tạo việc làm cho đoàn viên và người dân tại địa phương.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới