Tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại gây hại cây trồng, vật nuôi

LTS: Trong những ngày đầu tháng 12, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra rét đậm, rét hại kèm sương muối gây hại rất lớn đối với cây trồng, tính đến ngày 13/12 toàn tỉnh thiệt hại 476 ha hoa màu, rau màu; hơn 3.406 ha cây trồng, trong đó, riêng cà phê 2.766 ha; về vật nuôi, 32 con gia súc, 540 kg cá và 245 đàn ong bị chết. Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, thời tiết trong các ngày tới tiếp tục rét đậm, rét hại có thể xuất hiện hiện tượng sương muối, băng giá ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng trong sản xuất vụ đông xuân. Để chủ động phòng, chống các diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

 

Đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp &PTNT kiểm tra tình hình thiệt hại của diện tích cà phê

do sương muối tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu).

P.V: Xin đồng chí cho biết các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối gây hại cây trồng, vật nuôi trong vụ sản xuất đông xuân  2019-2020?

Đồng chí Cầm Thị Phong: Ngay sau khi nhận được dự báo tình hình thời tiết từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đối với cây rau màu, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân kali, phân lân và tưới đủ ẩm theo nhu cầu của từng cây nhằm tạo bộ rễ mới, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không bón đạm khi nhiệt độ dưới 150C. Sử dụng nilon, lưới che để bảo vệ cây trồng khi có băng giá và sương muối (nhất là cây con giai đoạn vườn ươm). Những ngày có sương muối, băng giá, cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. Đối với mạ: Phủ bằng tro rơm rạ để giữ ấm, ẩm cho ruộng mạ, tưới nước thường xuyên không để ruộng mạ khô hạn, nếu nhiệt độ xuống dưới 150C và mức nhiệt này kéo dài, rắc một lớp mỏng tro rơm rạ lên bề mặt luống mạ (l,5 kg/100m² mạ), dùng nilon trắng mỏng trùm kín cho mạ (không dùng loại nilon tối màu sẽ làm giảm khả năng quang hợp của cây). Tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 130C. Hạt thóc giống đã nảy mầm cần bảo quản trong phòng kín, tưới nước ấm, phủ bao tải dứa hoặc bao tải gai để tránh khô mầm trước khi gieo. Với vườn ươm giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, tưới đủ ẩm, tủ gốc bằng mùn, rơm rạ và giữ ẩm cho cây, bón đầy đủ cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt. Những ngày có rét đậm, rét hại, sương muối dùng nilon loại trong suốt che phủ tạo hiệu ứng giữ ấm cho cây; những vườn ươm không có điều kiện che phủ nilon cần tưới nước vào buổi sáng sớm để rửa sương bảo vệ vườn cây. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả mới trồng 1-2 năm: Tiếp tục chăm sóc, bón đầy đủ, cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt. Dùng các loại tàn dư thực vật (rơm, rạ, thân cây ngô) tủ gốc và giữ ấm cho cây. Những ngày có sương muối, hun khói vào buổi sáng, với những nơi có điều kiện tưới nước thì dùng nước tưới cho cây vào buổi sáng, trước khi mặt trời lên tránh táp lá. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả giai đoạn kinh doanh: Vệ sinh vườn trồng, tỉa những cành già cỗi, bị sâu bệnh hại sau kỳ thu hoạch, tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế nguồn sâu bệnh hại. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, tủ gốc, nơi có điều kiện tưới nước duy trì tưới ẩm cho cây.

Về bảo vệ đàn vật nuôi: Ngay từ cuối tháng 10, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thức ăn ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò; gia cố chuồng trại, bảo đảm ấm về mùa đông, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng; dự trữ chất đốt (củi, chấu, mùn cưa) đốt sưởi cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại; dùng chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét cho trâu, bò; sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng cho đàn gia súc, lớp lót chuồng dày khoảng 5 - 15 cm. Những ngày nhiệt độ dưới 150C nên cho trâu, bò ăn no, uống nước ấm, bổ sung muối vào trong nước uống và đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát, không nên chăn thả (trường hợp đặc biệt bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài, thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng và trở về chuồng trước 15 giờ, mặc áo ấm cho gia súc trước khi đưa chúng ra ngoài).

Cán bộ Chi cục Trồng trọt &BVTV hướng dẫn các hộ dân xã Muổi Nọi (Thuận Châu)

cưa đốn cây cà phê bị ảnh hưởng sau sương muối.

P.V: Sau đợt sương muối vừa qua, diện tích cà phê của tỉnh bị thiệt hại rất lớn lên đến 2.766 ha, biện pháp khắc phục vườn cà phê bị sương muối, băng giá gây hại thưa đồng chí?

Đồng chí Cầm Thị Phong: Tùy từng mức độ bị ảnh hưởng của cây cà phê để có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, không làm chết cây như: cành đã bị cháy cắt bỏ cành từ vị trí cành bị hư cắt sâu vào khoảng 5 cm để hạn chế cây bị thoát hơi nước; đối với cây bị hư hại 1/2 hoặc 1/3 phần trên của thân và các tán cây đều bị khô héo cưa đốn cây để tạo lại cành mới, dùng những cành đã cắt hoặc cây cỏ để tủ quanh gốc cây, nhằm giữ nước cho gốc cây khỏi bị khô héo. Đồng thời, tiến hành chăm sóc, tưới nước và bón phân kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là phân hữu cơ, phân vi sinh để cây ra chồi mới, tiếp tục tỉa định chồi giữ lại 1-2 chồi tạo thân mới. Đối với diện tích cây cà phê đã già bị hư hại nặng, không thể phục hồi người dân nên đốn bỏ cây, trồng cây mới thay thế bằng các giống cà phê mới được chọn lọc.

Bên cạnh đó, thực hiện trồng xen cây ngắn ngày (đậu, lạc,...) vào vườn cà phê bị cưa đốn nhằm tạo điều kiện thu nhập trong khoảng thời gian ngắn, mặt khác cây trồng họ đậu khi được trồng vào vườn cà phê sẽ cố định một lượng đạm tự nhiên giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Khuyến cáo bà con nên trồng cây che bóng bằng một số loại cây ăn quả, cây mắc ca, cây muồng... để đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế mức độ ảnh hưởng của sương muối đối với vườn cà phê.

Các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ kịp thời cho các hộ sản xuất bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối để ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Khánh Vân (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới