Tập trung giải quyết tranh chấp địa giới hành chính

Thời gian qua, công tác quản lý địa giới hành chính (ĐGHC) tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; tình trạng đường ĐGHC tại một số khu vực chưa được xác định rõ ràng, khó nhận biết trên thực địa, ranh giới quản lý của một số đơn vị hành chính trong hồ sơ, bản đồ ĐGHC không thống nhất với thực tế; các vụ việc tranh chấp ĐGHC để tồn đọng kéo dài gây mất ANTT. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý ĐGHC; rà soát, tổng hợp các điểm xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp ĐGHC để có biện pháp giải quyết.

 

 

Cán bộ chuyên môn của huyện Mường La và Thành phố xác minh ĐGHC 2 xã Mường Bú và Chiềng Xôm.

 

Hiện toàn tỉnh có 237 khu vực tranh chấp về địa giới đơn vị hành chính; trong đó có 132 khu vực tranh chấp ĐGHC cấp xã, 74 khu vực tranh chấp ĐGHC cấp huyện, 31 khu vực tranh chấp ĐGHC cấp tỉnh. Tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, đảm bảo khép kín đường ĐGHC các cấp để phục vụ thực hiện hoàn thành Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục dự án; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch giải quyết dứt điểm các tranh chấp ĐGHC và những điểm không thống nhất về ranh giới hành chính giữa hồ sơ, bản đồ với thực tế thuộc địa phương mình quản lý; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp ĐGHC và thực hiện các hạng mục hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC trên địa bàn tỉnh.

 

UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát, khảo sát, đánh giá hiện trạng các khu vực đường ĐGHC tỉnh bị chồng lấn, có tranh chấp; tham mưu phương án phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan để giải quyết các điểm chồng lấn, tranh chấp ĐGHC giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. Hướng dẫn các địa phương có tranh chấp hoặc không thống nhất về đường ĐGHC với đơn vị hành chính liền kề phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác định hiện trạng, đề xuất phương án phân vạch, xác định đường ĐGHC tại các khu vực tranh chấp, bị phá vỡ, biến dạng do tác động của quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và quá trình vận động địa chất tự nhiên trên địa bàn. Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã có liên quan đã đo đạc, xác minh diện tích đất xen canh của nhân dân và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến đường ĐGHC các cấp trên địa bàn, không để tái phát sinh các điểm tranh chấp đã được giải quyết và phát sinh mới các điểm tranh chấp liên quan; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm kết quả giải quyết tranh chấp đã được thống nhất.

 

Đến thời điểm này, 132 điểm tranh chấp cấp xã cơ bản đã được giải quyết và thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ ĐGHC được lập theo Chỉ thị số 364/CT-HĐBT ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với thực tế quản lý sử dụng đất đai của từng địa phương; đặc biệt giải quyết dứt điểm được các điểm tranh chấp đất đai tồn tại trong thời gian dài, điểm “nóng”, nguy cơ gây mất ANTT trên địa bàn.

 

Việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp ĐGHC của các ngành, chính quyền địa phương thời gian qua đã góp phần đảm bảo ANTT, hạn chế tình trạng xâm hại, tàn phá tài nguyên; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, làm cơ sở cho việc khép kín đường ĐGHC; hoàn thiện hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp trên địa bàn tỉnh thống nhất với đường biên giới quốc gia.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới