Tạo sinh kế từ trồng cây dược liệu Kỳ II: Bảo tồn và phát triển dược liệu bền vững

Để sử dụng, khai thác và phát triển bền vững nguồn dược liệu, tỉnh ta đã và đang khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trồng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Thảo quả là một trong những sản phẩm nông sản tiêu biểu của các xã vùng cao huyện Mường La.

“Cung” chưa đáp ứng “cầu”

Toàn tỉnh hiện có 609.456 ha đất lâm nghiệp có rừng, chiếm trên 74% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Rừng tỉnh ta được đánh giá đa dạng sinh học, dưới tán rừng tự nhiên có trên 1.000 loài cây dược liệu, trong đó khoảng 100 loài có giá trị cao, sản lượng ước đạt hàng trăm tấn mỗi năm, tập trung tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm bị khai thác tràn lan, nhiều loài dược liệu tự nhiên dần cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng - là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao tỉnh ta có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng, nhiều loại dược tính cao nhưng hằng năm vẫn phải nhập số lượng lớn dược liệu dưới dạng nguyên liệu để làm thuốc!

 

Mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng ở xã Háng Đồng (Bắc Yên).

Theo khảo sát của Sở Y tế, số lượng các loài dược liệu trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% lượng dược liệu phục vụ sản xuất và bào chế thuốc tại các cơ sở y tế. Do đó, nhiều năm nay, Sở Y tế phải tổ chức đấu thầu mua các mặt hàng vị thuốc cổ truyền của các công ty dược ngoài tỉnh. Riêng năm 2018, đã tổ chức đấu thầu mua 176 vị thuốc cổ truyền để sử dụng trong các cơ sở y tế, tương đương gần 50 tấn dược liệu, giá trị trúng thầu trên 17,5 tỷ đồng. Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin: Trước khi triển khai dự án “Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án phát triển dược liệu, tổng vốn đầu tư trên 803 tỷ đồng (100% vốn của nhà đầu tư). Trong đó, 5 dự án đã có quyết định chấp thuận đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, gồm: Dự án xây dựng vùng trồng cây dược liệu và chè Hibiscus, tại xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố); dự án phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu triển khai tại các xã Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu); dự án trồng cây thảo dược và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm TDP tại Mộc Châu; dự án trồng rừng nguyên liệu vầu và cây dược liệu; dự án đầu tư khu sản xuất, chế biến kết hợp với dịch vụ và du lịch dược liệu tại huyện Vân Hồ... Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án khá chậm; nuôi trồng dược liệu mới ở giai đoạn thử nghiệm; chưa có sản phẩm dược liệu là hàng hóa được bán ra thị trường. Còn theo bà Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La thì việc phát triển dược liệu tại địa phương mới chỉ dừng ở sưu tầm, thừa kế... tại một số vùng nguyên liệu ở các huyện Mộc Châu, Thuận Châu.

Phát triển dược liệu theo chuỗi liên kết

Trong dự án “Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 34.500 ha dược liệu, sản lượng 285.000 tấn; có 24 cơ sở bảo quản hoặc sơ chế dược liệu, 16 cơ sở hoặc nhà máy chế biến hoặc chiết xuất dược liệu. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 50.000 ha cây dược liệu, sản lượng 500.000 tấn; có 30 cơ sở bảo quản, hoặc sơ chế dược liệu, 33 cơ sở nhà máy chế biến hoặc chiết xuất dược liệu trên địa bàn các huyện thành phố. Theo đó, duy trì ổn định 90.400 ha khai thác cây dược liệu dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán; tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, tổng kinh phí thực hiện 1.800 tỷ đồng (vốn ngân sách 250 tỷ đồng; còn lại là vốn doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Trên thực tế, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng đang được thực hiện gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và một phần nhân công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngoài ra, được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình, được hỗ trợ để tham gia quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, triển lãm do địa phương, tỉnh tổ chức... Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các mục tiêu của dự án chưa đạt kế hoạch đề ra; phát triển cây dược liệu vẫn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa có cơ sở hoặc nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn quốc tế... Trước thực trạng trên, tỉnh ta đã đề ra giải pháp tổng thể về đất đai, cơ chế, chính sách, giống, vốn, nguồn lực, khoa học công nghệ, thị trường...; khuyến khích thành lập một số hội ngành nghề khai thác, trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, chiết xuất dược liệu; hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên và người sản xuất dược liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Đông y, Hội Dược liệu địa phương hoạt động và phát triển.

Người dân mua thuốc tại cơ sở thuốc đông y trên địa bàn Thành phố.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông); trong đó, lấy doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt, hướng dẫn các nông hộ, HTX và các thành phần kinh tế khác sản xuất dược liệu hàng hóa; xây dựng một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất dược liệu theo hướng tập trung, có lượng hàng hoá lớn theo quy hoạch, chủ yếu là những loại dược liệu có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định và có thể chủ động được nguồn giống như: Sa nhân, ba kích, đương qui, giảo cổ lam, thảo quả... đây là những loài đã được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu trồng khảo nghiệm, thí điểm bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

 

 Pha chế, phân loại dược liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền 

Cùng với sự vào cuộc của các nhà khoa học và cơ quan chức năng, hiện có không ít lương y tâm huyết cũng đang nỗ lực bảo tồn và phát triển dược liệu. Một trong số đó là Dược sỹ Lường Văn Ban, Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Vân Hồ. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Vân Hồ, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình HTX trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh theo hướng phát triển bền vững”, Công ty đã thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái đối với cây giảo cổ lam, đương qui và hoàn thành 2 tập bản đồ đề xuất quy hoạch trồng cây dược liệu tại Vân Hồ; thành lập HTX Dược liệu Bống Hà liên kết với một số HTX trên địa bàn huyện Mộc Châu để thu mua nguyên liệu, sơ chế xuất thô một số loại dược liệu cho các công ty dược. Đây thực sự là mô hình cần được nghiên cứu, tổng kết để nhân rộng.

Sản phẩm sa nhân tím khô và thảo quả khô.

Nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác dược liệu một cách bền vững, các địa phương, đơn vị, các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác trao đổi, phối hợp trong triển khai, thực hiện dự án. Đặc biệt, là mời gọi , thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực dược liệu vào đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, chiết xuất theo hướng liên kết với chủ rừng; gắn phát triển dược liệu với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn và phát triển dược liệu, vừa tạo sinh kế, vừa góp phần giữ màu xanh cho rừng.

Thu - Hiền

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới