Tăng thu nhập và giảm nghèo ở vùng nông thôn

Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân. Xác định được điều đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 

Nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn) trồng thanh long phục vụ xuất khẩu.

 

Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm và tổ chức sản xuất là những tiêu chí đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành và địa phương tích cực triển khai kế hoạch hành động, đề tài khoa học, đề án và kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững. Đến nay, đã điều chỉnh và lập mới 38 quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành; chủ động xác định và lựa chọn các sản phẩm để phát triển, ban hành 23 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm.

 

Trong hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện trên 3.541 mô hình phát triển sản xuất, như: Mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, dồn điền đổi thửa phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển trang trại. Triển khai 66 dự án phát triển sản xuất chuỗi giá trị với kinh phí trên 128 tỷ đồng. Nhiều dự án liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả đem lại thu nhập cao cho các thành viên tham gia. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 24.370 lao động với kinh phí 340 tỷ đồng, điển hình trong các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là các lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, lễ tân cho các hộ kinh doanh du lịch theo mô hình homestay (huyện Mộc Châu, Vân Hồ)... góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh.

 

Ngoài ra, còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong tỉnh thành lập 452 doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 28.766 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 6.500 lao động. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 41 xã đạt tiêu chí về thu nhập (tăng 26 xã so với năm 2011); 46 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (tăng 39 xã so với năm 2011)...

 

Xã Cò Nòi (Mai Sơn) sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, những nương ngô, nương sắn khi xưa đã được thay bằng vùng chuyên canh mía với tổng diện tích 2.445 ha, thu nhập bình quân gần 70 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ghép cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã có trên 1.200 ha cây ăn quả, gồm: xoài, nhãn, na, bưởi... cho thu nhập cao. Các hộ trồng cây ăn quả đã liên kết sản xuất tập trung thông qua việc thành lập hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Từ việc chú trọng phát triển sản xuất, thu nhập của người dân trong xã dần được nâng cao, tạo nguồn lực để xã huy động thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%. Năm 2019, xã Cò Nòi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Phát huy những kết quả đạt được và đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30% các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đạt xã NTM nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đối với tiêu chí hộ nghèo, phấn đấu giai đoạn 2020-2025, giảm từ 2,5-3%/năm, có 1 huyện thoát nghèo, thu nhập bình quân của người dân đến năm 2025 đạt 59,5 triệu đồng.

 

Để hoàn thành các mục tiêu trên, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá chiến lược. Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước xây dựng các vùng trọng điểm về sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo. Hỗ trợ các bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thực hiện giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới