Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đảm bảo cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số (DTTS) có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục, tạo tiền đề để các em học tập, tiếp thu kiến thức ở các cấp học tiếp theo, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Một tiết học chuyên đề tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

tại Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn).

Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em DTTS độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp và được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục được tăng cường tiếng Việt. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phối hợp triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Trong đó, tập trung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Đề án; đưa chỉ tiêu tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tổ chức rà soát thực trạng, có kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị, tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học thuộc vùng DTTS của tỉnh; triển khai thực hiện chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS tại các đơn vị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực trong, ngoài tỉnh hỗ trợ triển khai đề án...

Là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai và thực hiện kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện Đề án phù hợp với thực tế địa phương. Bắt đầu từ tháng 12/2018, Sở đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tháng 4/2019 tập huấn cho giáo viên tiểu học về nội dung, kỹ năng, phương pháp tăng cường tiếng Việt phù hợp với trẻ em vùng DTTS. Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ giáo viên tại vùng có DTTS của tỉnh; bồi dưỡng trình độ trên chuẩn cho giáo viên dạy tại các lớp ghép trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học thuộc vùng DTTS; bồi dưỡng tiếng Việt cho phụ huynh trẻ em là người DTTS; vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho trẻ em đến trường để có nhiều cơ hội giao lưu bằng tiếng Việt tích cực, hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai giảng dạy bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện đề án tại các đơn vị trường học trên địa bàn.

Trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn), được biết: 99% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, chất lượng học tập của các em học sinh chưa được như mong muốn, bởi vốn tiếng Việt của nhiều học sinh vẫn còn hạn chế nên thiếu tự tin trong giao tiếp, trong học tập, việc tiếp thu kiến thức thụ động và nhanh quên. Sau khi được tham gia tập huấn về phương pháp dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, tháng 4/2019, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giảng dạy chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Chuyên đề giảng dạy được thực hiện dựa trên tài liệu là cuốn sách “Em nói tiếng Việt”, nhà trường đã tổ chức dạy tất cả các ngày trong tuần. Bước vào năm học 2019-2020, các tiết học được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, trung bình 2 tiết/tuần.

Tham dự một tiết học chuyên đề của chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại lớp 1B1, điểm trường tiểu học Mường Bằng 2, chúng tôi cảm nhận được không khí hứng khởi, say mê của các em học sinh với phương pháp giảng dạy mới này. Trong giờ học, các em học sinh trải qua 3 hoạt động chính: luyện nói, luyện nghe, thực hành hỏi - đáp. Tùy theo các chủ điểm, giáo viên sẽ chuẩn bị các hình ảnh, tranh vẽ, mô hình minh họa cho nội dung của bài giảng. Tiết học được tổ chức xen kẽ với các trò chơi, thi đọc thơ, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Việt; giáo viên cũng tương tác linh hoạt với học sinh, đặt ra các tình huống thực tế kích thích sự tò mò, khả năng tranh luận và phát biểu ý kiến của các em. Đặc biệt, giáo viên chú trọng theo dõi, lắng nghe phát âm của học sinh, phát hiện những lỗi sai và trực tiếp hướng dẫn các em phân biệt, nhận biết và sửa lỗi. Nhờ vậy, đa số các em học sinh DTTS đã sửa được những lỗi cơ bản do thói quen, mạnh dạn hơn trong phát biểu ý kiến và trò chuyện với bạn bè, thầy cô.

Có thể thấy, những tiết học chuyên đề không nặng về kiến thức, mà phát huy mọi điều kiện để học sinh DTTS luyện nói, luyện nghe đã từng bước khẳng định hiệu quả trong việc giúp học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ, thuận lợi trong việc sử dụng song song tiếng dân tộc và tiếng Việt, tạo tiền đề để các em tiếp thu tốt hơn các môn chính khóa trong chương trình giáo dục. Với việc chủ động triển khai thực hiện tốt chuyên đề Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, nhất là tại các vùng có học sinh DTTS.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới