Tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

 

Quầy bán thức ăn chín tại Chợ 7/11 (Thành phố) được che đậy bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

 

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tỉnh còn gặp một số khó khăn, đó là: Hệ thống quản lý ATTP của 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tại cơ sở chưa đồng bộ; hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường nhỏ, lẻ; trình độ canh tác, công nghệ chế biến lạc hậu, tác động trực tiếp đến chất lượng thực phẩm; ý thức của một bộ phận người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm nông sản... Xác định rõ những khó khăn trên, Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành thành viên, các huyện, Thành phố tăng cường công tác truyền thông, với nhiều hình thức tuyên truyền, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên hệ thống loa truyền thanh các tổ, bản, tiểu khu; lồng ghép tuyên truyền trong cuộc họp của tổ chức đoàn thể các cấp... Nội dung tuyên truyền tập trung về Luật ATTP; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới; hướng dẫn kiến thức bảo đảm ATTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, các ngành đã đồng bộ vào cuộc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Trong đó, tuyên truyền, quảng bá nông sản an toàn thông qua các hội nghị, hội thảo, phiên chợ, hội chợ. Trưng bày, giới thiệu 15 gian hàng nông sản an toàn tại “Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” tại huyện Mộc Châu; 52 gian hàng nông sản an toàn tại Trung tâm sự kiện tỉnh và phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia các gian hàng, phiên chợ, tuần lễ nông sản an toàn tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 159 doanh nghiệp, HTX được cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: 23 chuỗi rau an toàn; 98 chuỗi quả an toàn; 1 chuỗi cà phê; 7 chuỗi chè; 3 chuỗi thịt lợn an toàn; 20 chuỗi thủy sản; 2 chuỗi thịt gà; 5 chuỗi mật ong.

 

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể đã vận động hội viên, đoàn viên không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thực hiện “sản xuất rau sạch, rau an toàn”, “không giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không an toàn”; xây dựng mô hình nhóm liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, VietGAP; tổ chức hội thi “Phụ nữ Sơn La với công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm”; gắn thực hiện công tác ATTP với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”...

 

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về ATTP của tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác ATTP; giám sát, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm... Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, giám sát ATTP trong các dịp lễ hội, tết, thời điểm tổ chức sự kiện đông người... Các cuộc thanh tra, kiểm tra ATTP được thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, từ đó nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ATTP. Trong năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập 781 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 5.365 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, đã cảnh cáo 27 cơ sở; nhắc nhở 9 cơ sở; xử lý, phạt  hành chính trên 127 triệu đồng đối với 96 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 14 cơ sở... Với các lỗi vi phạm chủ yếu là chất lượng thực phẩm không bảo đảm; không niêm yết giá theo quy định; không lưu mẫu thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP...

 

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về bảo đảm ATTP; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP và kiểm tra sau kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo quy định...

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới